Thách thức về thuế trong thời đại công nghệ

(BKTO) - Vừa qua, tại TP.HCM, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) phối hợp với Cục thuế TP.HCM và Công ty PwC Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các thách thức về thuế trong thời đại công nghệ” với sự tham gia của gần 300 đại biểu.



Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện về ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành nghề kế toán tài chính của ACCA tại Việt Nam, kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và yêu cầu cấp bách về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế Việt Nam.
                
   

Đại biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: CTV

   
Trước đó, ngày 10/9, Trưởng bộ phận Thuế ACCA toàn cầu - ông Chas Roy-Chowdhury đã chủ trì Hội thảo cùng chủ đề, thu hút gần 150 DN tại Hà Nội tham dự. Ngày 11/9 tại Hà Nội, Ông Chas Roy -Chowdhury cũng có buổi tọa đàm với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính nhằm trao đổi những khó khăn và giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế trong chính sách, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điên tử.

Tại Hội thảo, Giám đốc khu vực Mê Kông (ACCA) Nguyễn Thụy Minh Châu chia sẻ: Thuế luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các DN, đặc biệt trong thời đại công nghệ với sự ra đời của các mô hình kinh doanh mới, sự phụ thuộc ngày càng lớn của các DN vào dữ liệu hệ thống, các rủi ro từ an ninh mạng... Chính sách, chế độ và quản lý thuế cũng thay đổi liên tục nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ và môi trường kinh doanh đầy biến động. Chính sách, chế độ và quản lý thuế thay đổi ảnh hưởng tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chiến lược phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới và phản ứng của DN đối với những rủi ro pháp lý về tuân thủ nghĩa vụ thuế.

"ACCA rất vinh dự và tự hào được đồng hành với Bộ Tài Chính, Tổng cục thuế, Cục thuế TP.HCM, VTCA và cộng đồng DN trong một lĩnh vực mới, nhiều thách thức, đó là thuế trong thời đại công nghệ số”- bà Châu nói.

Chia sẻ tại các hội thảo, Ông Chas Roy – Chowdhurry cho rằng: “Giải pháp chính sách, quản lý thuế trong thời đại công nghệ số trên toàn cầu vẫn còn chưa rõ ràng ngay cả sau Chương trình hành động gần đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (còn được gọi là BEPS). Mặc dù Kế hoạch hành động BEPS thứ 1 - Nền kinh tế số - đã tiến triển khá xa khi nghiên cứu hoạt động của các công ty sử dụng công nghệ và quyết định rằng những công ty này không thể bị đánh thuế khác với các công ty truyền thống, nhóm nước G20 đã yêu cầu OECD xem xét lại vì nhiều quốc gia đang có lộ trình ban hành một sắc thuế mới nhằm vào nền kinh tế số.

Qua các sự kiện được tổ chức ở Việt Nam, các DN cũng bày tỏ mối quan tâm về định nghĩa cơ sở thường trú của Việt Nam trong nền kinh tế số, quan điểm đánh thuế của Việt Nam đối với nhiều hình thức kinh doanh hàng hóa dịch vụ qua mạng như quảng cáo trên mạng xã hội, mua bán dữ liệu người dùng mạng xã hội... cũng như kiến nghị về các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tránh rủi ro vi phạm pháp luật về thuế.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục thuế TP. HCM và VTCA ghi nhận các đóng góp, kiến nghị của phía DN và kinh nghiệm quốc tế từ ACCA thông qua các sự kiên này để kiến nghị, đưa vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trong thời gian tới, để tránh cạnh tranh không bình đẳng và phù hợp với thông lệ quốc tế như: tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức có giao dịch hàng hóa dịch vụ qua mạng xuyên biên giới kê khai nộp thuế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với các DN truyền thống; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng để thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu về các hoạt động kinh doanh qua mạng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiến tới thực hiện một cổng thanh toán quốc gia, phối hợp với các ngân hàng thương mại để truy lần chính xác dòng tiền đến và đi từ Việt Nam để có biện pháp thu thuế phù hợp.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Thách thức về thuế trong thời đại công nghệ