Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang vừa ký Quyết định số 1607/QĐ-BQP ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ (KTNB) của Bộ Quốc phòng.



                
   

Kiểm toán nội bộ của Bộ Quốc phòng, gồm: Hoạt động kiểm toán trước, kiểm toán đồng thời và kiểm toán sau. Ảnh minh họa.

   

Quy chế quy định mục tiêu, phạm vi hoạt động, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNB của Bộ Quốc phòng và mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, gồm: Phạm vi và cách thức cung cấp thông tin phục vụ KTNB; yêu cầu về tính độc lập, khách quan, nguyên tắc cơ bản, yêu cầu về trình độ chuyên môn, việc đảm bảo chất lượng KTNB và các nội dung khác có liên quan.

Quy chế này áp dụng đối với hoạt động KTNB đối với lĩnh vực tài chính, tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; kiểm toán Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, DN và cá nhân trong Bộ Quốc phòng có liên quan đến hoạt động KTNB.

Quy chế nêu rõ: Mục tiêu của KTNB là thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, KTNB đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và khuyến nghị về các nội dung:

Hệ thống kiểm soát nội bộ tại các đơn vị trong Bộ Quốc phòng được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Các chế độ chính sách, chế độ quản lý, chế độ kế toán và quy trình nghiệp vụ thuộc lĩnh vực tài chính, tài sản công trong Bộ Quốc phòng được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả cao.

Mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ công tác của các đơn vị trong Bộ Quốc phòng đạt được trên cơ sở bảo đảm tính tuân thủ, hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Quy định về kiểm toán trước, kiểm toán đồng thời và kiểm toán sau

Theo Quy chế, KTNB bao gồm: Kiểm toán trước, kiểm toán đồng thời và kiểm toán sau. Theo đó, kiểm toán trước được thực hiện trước khi triển khai các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị được kiểm toán, nhằm đánh giá độ tin cậy của thông tin tài chính, tính kinh tế, tính khả thi và hiệu quả của dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động giúp chỉ huy các cấp đưa ra các quyết định về quản lý tài chính công, tài sản công.

Kiểm toán đồng thời được thực hiện trong khi triển khai các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị được kiểm toán nhằm đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện; phát hiện và kiến nghị kịp thời các biện pháp khắc phục những sai lệch, thiếu sót về tài chính công, tài sản công trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động.

Kiểm toán sau được thực hiện sau khi hoàn thành các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị được kiểm toán nhằm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động.

Quy chế cũng quy định, tùy thuộc vào đối tượng kiểm toán, khi lập kế hoạch KTNB có thể kết hợp cả kiểm toán trước, kiểm toán đồng thời và kiểm toán sau.

3 nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của KTNB. Người làm công tác kiểm toán không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và báo cáo.

Người làm công tác kiểm toán không được tham gia kiểm toán các đơn vị mà người làm công tác kiểm toán chịu trách nhiệm quản lý hoặc thực hiện hoạt động được kiểm toán tại đơn vị đó trong vòng 3 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện quản lý hoặc thực hiện hoạt động được kiểm toán tại đơn vị đó.

Người làm công tác kiểm toán không được tham gia kiểm toán các đơn vị mà người có liên quan của người làm công tác kiểm toán chịu trách nhiệm quản lý hoặc thực hiện hoạt động được kiểm toán tại đơn vị đó.

Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện KTNB.

Tính tuân thủ: Người làm công tác kiểm toán phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động KTNB.

Nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ

Quy chế quy định nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB như sau:

Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn về KTNB; không tham gia các hoạt động trái pháp luật và các hoạt động làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp, uy tín của Bộ Quốc phòng.

Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán phải đảm bảo tính khách quan trong việc thu thập, đánh giá, trao đổi thông tin về hoạt động được kiểm toán. Người làm công tác kiểm toán đưa ra các đánh giá khách quan về tất cả các tình huống liên quan và không bị ảnh hưởng bởi lợi ích của mình hoặc người khác trong việc đưa ra đánh giá, kết luận của mình.

Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán áp dụng các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong công tác KTNB; hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực chuyên môn và kỹ thuật được áp dụng.

Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán phải tôn trọng giá trị, quyền sở hữu của thông tin được cung cấp và không tiết lộ thông tin này nếu không được phép của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của pháp luật.

Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán phải tuân thủ pháp luật và các quy định của Bộ Quốc phòng có liên quan, không được thực hiện các hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB.

Kiểm toán trưởng phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác kiểm toán tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTC ban hành chuẩn mực KTNB Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB do Bộ Tài chính ban hành.

Quy chế quy định trách nhiệm của kiểm toán Bộ Quốc phòng:Bảo mật tài liệu, thông tin theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về kết quả KTNB, những đánh giá, kết luận và kiến nghị trong báo cáo KTNB.

Kịp thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện của đơn vị theo kiến nghị của kiểm toán Bộ Quốc phòng đã được phê duyệt.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng liên tục nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho người làm công tác kiểm toán.

Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng…/.
THÙY ANH





Cùng chuyên mục
Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ