Xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(BKTO) - Sáng 09/6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.



Trước đó, tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.
                
   

Tăng trưởng GDP quý I/2021 - Nguồn: Thời báo Tài chính

   

Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương tác động đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Vì vậy, cần khẩn trương phân tích, đánh giá thực trạng tình hình; rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và có các giải pháp, đối sách quyết liệt, đồng bộ, tổng thể trên các lĩnh vực để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đồng thời có giải pháp phù hợp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở phân tích về cơ hội, khó khăn, thách thức và các dự báo trong các tháng còn lại của năm 2021, Ban soạn thảo Đề án sẽ tập trung thảo luận, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2021.

Trong đó, quan điểm, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách, giải pháp trong Đề án sẽ hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Đề án sẽ tập trung vào các đối tượng thuộc mọi thành phần kinh tế, khu vực và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, du lịch, nhà hàng, lữ hành có vai trò, tiềm năng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Đỗ Thành Trung cho biết, theo đề xuất xây dựng Đề án, một số chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện ngay trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó là các chính sách, giải pháp căn cơ, dài hạn có thể triển khai ngay để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Các chính sách tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới như: cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động…
                
   

Quang cảnh cuộc họp - Nguồn: MPI

   

Các ý kiến đóng góp tại cuộc họp đều cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra, việc xây dựng Đề án là cần thiết. Đánh giá cao nội dung và kết cấu của Đề án, các đại biểu đồng thời đề xuất bổ sung thêm vào phần đánh giá tình hình quốc tế, trong đó có nêu các đối tác lớn của Việt Nam đã phục hồi và mở cửa trở lại như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước châu Âu… Về bối cảnh trong nước, cần nêu ra hiệu quả của các chính sách đã ban hành, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư đến nền kinh tế.

Đề cập đến những giải pháp, các đại biểu cho rằng, đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin vẫn là giải pháp cần đặt lên hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp phải đảm bảo vấn đề an toàn sản xuất, thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế.

Tại đây, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị cần rà soát lại các giải pháp theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, xem giải pháp nào cần tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng triển khai. Đồng thời, cần tiếp tục đóng góp ý kiến, đánh giá về những động lực tăng trưởng, xem những động lực nào còn dư địa tăng trưởng trong ngắn, dài hạn và các giải pháp để thực hiện. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT sẽ xem xét, có ý kiến để hoàn thiện Đề án./.

P.KHANG
Cùng chuyên mục
Xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19