Việt Nam đề xuất 4 nhóm giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội

(BKTO) - Chiều 23/6, tại Bangkok, Thái Lan, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2022 với chủ đề: “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới”.



                
   

Phó Chủ tịch nước Võ ThịÁnh Xuân phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: TTXVN

   

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; cho rằng đây là vấn đềcó ý nghĩa ngày càng lớntrong bối cảnh nhiều thách thức và biến động như hiện nay.

Là một trong 3 diễn giả chính tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhận định thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có do tác động kép từ đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng, xung đột gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của phụ nữ ở nhiều quốc gia, khu vực.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng những khó khăn, thách thức này hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành cơ hội trong điều kiện thế giới hậu đại dịch đang chuyển đổi nhanh chóng để phục hồi và vươn lên, với nhiều xu hướng tích cực về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công tư, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách giáo dục.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch nước đã đề xuất 4 nhóm giải pháp quan trọng nhằm phát huy tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, cần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận vốn và tri thức số.

Song song với đó là đẩy mạnh các sáng kiến lồng ghép giới và trao quyền cho phụ nữ trong việcứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo đảm sinh kế bền vững.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ của phụ nữ, đồng thời đặt trọng tâm vào xây dựng chiến lược đào tạo đối với trẻ em gái để trở thành nguồn nhân lực ưu tú cho tương lai.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy bình đẳng giới theo từng giai đoạn phát triển đất nước; đồng thời cho biết Việt Nam đang tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi hơn nữa cho phụ nữ tham gia trong lĩnh vực kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao như khoa học - công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp chất lượng cao…
         
Được thành lập và hoạt động từ năm 1990, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu là một diễn đàn quốc tế lớn về bình đẳng giới. Hội nghị là nơi quy tụ các chính khách và doanh nhân từ khắp mọi nơi trên thế giới đến để trao đổi và thúc đẩy các sáng kiến nhằm khuyến khích sự đóng góp và tăng cường vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Việt Nam đề xuất 4 nhóm giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội