Thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng chính sách tài khóa thích ứng hơn

(BKTO) - Trong tháng 4/2021, sản xuất công nghiệp, bán lẻ, tín dụng, ngân sách đều có sự cải thiện đáng kể. Tuy vậy, thời gian tới, sự phục hồi của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư.




Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2021 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/5 cho biết thông tin trên.

Cũng theo WB, tháng 4/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Chỉ số PMI tăng từ 53,6 trong tháng 3 lên 54,7 trong tháng 4, đánh dấu sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng liên tiếp.

Doanh số bán lẻ tháng 4 đã tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba vào cuối tháng 01/2021. Tuy nhiên, giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn so với tháng 01/2021.

Thương mại hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ nhu cầu cao từ Hoa Kỳ và các đối tác thương mại lớn khác. Tốc độ tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước được ghi nhận trên tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất là nhóm hàng máy móc, tiếp theo là máy tính, điện tử và điện thoại. Giày dép và hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 19% và 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do bùng nổ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, phản ánh sự phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và hàng hóa trung gian nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD vốn FDI vào tháng 4/2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2021, số vốn FDI gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát tăng tốc trong tháng 4/2021 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao. Điều này phản ánh sự phục hồi tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba ở trong nước.

Tín dụng cho nền kinh tế tăng 2% so với tháng trước, phản ánh nhu cầu tín dụng tăng do các DN đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong đợt nghỉ lễ cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm cũng tăng từ 0,29% trong tháng 3 lên 0,48% trong tháng 4.

Tình hình tài khóa đã được cải thiện khi NSNN thặng dư khoảng 80 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Thu ngân sách đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm và cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Từ tháng 01 đến tháng 4/2021, Chính phủ đã chi 463,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước. Nguyên nhân chính của việc giảm chi là do giải ngân các dự án đầu tư công chậm lại, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án sử dụng vốn ODA chỉ giải ngân được bằng 1/3 giá trị giải ngân trong cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước đã vay từ thị trường trong nước 26,3 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với tháng 3. 4 tháng đầu năm, Chính phủ huy động được tổng cộng 65,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 17,8% kế hoạch năm 2021. Tất cả trái phiếu đều được phát hành với kỳ hạn từ 5 năm trở lên và lãi suất bình quân đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 2,36%, cao hơn khoảng 9 điểm cơ bản so với tháng 3. Điều này khẳng định xu hướng tăng chi phí vay vốn kể từ tháng 01/2021.

Theo WB, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 khiến Chính phủ phải nhanh chóng đóng cửa trường học và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới.

Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như: du lịch, vận tải và bán lẻ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và sự ứng phó nhanh chóng của Chính phủ. Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho DN và người dân bị ảnh hưởng./.

ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng chính sách tài khóa thích ứng hơn