Thắm tình hữu nghị nơi biên giới Việt - Lào

(BKTO) - Nhiều năm đứng chân trên đất bạn Lào, các công ty trực thuộc Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 đã giúp nước bạn thi công nhiều công trình văn hóa, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội; thực hiện hiệu quả nhiều mô hình khuyến nông, giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ đó đã xây dựng được hình ảnh, uy tín, thương hiệu, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào anh em.



                
   

Đoàn công tác Quân khu 4 tham quan mô hình dây chuyền sản xuất
   miến dong tại Nậm Xiểm - Ảnh minh họa

   

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Lào

Với khuôn viên rộng hơn 4.000m2, quy mô 20 giường bệnh, có 5 phòng khám chức năng, trang bị nhiều thiết bị phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh như máy siêu âm, điện tim... Bệnh xá Laksao thuộc Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 đã trở thành địa thăm khám, chữa trị tin cậy của cán bộ, nhân viên, người lao động của Tổng công ty làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dân vận trên đất bạn Lào và cán bộ, nhân dân Lào.

Được biết, năm 1999, theo thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam và Lào, Bệnh xá Laksao được thành lập tại bản Phonpheng, huyện Khamkheut, tỉnh Borikhamxay. Trong suốt quá trình hoạt động, Bệnh xá luôn lấy mục tiêu phục vụ người bệnh là trên hết, do vậy được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân Lào tin cậy, yêu mến.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Định - Bệnh xá trưởng chia sẻ, gần 23 năm hoạt động trên đất bạn Lào, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của Bệnh xá đã mang hết tâm huyết và khả năng của mình để chăm lo, gắn bó với người bệnh. Riêng năm 2021, Bệnh xá đã khám, chữa bệnh cho khoảng 2.600 lượt người, trong đó có gần 1.050 lượt bệnh nhân là đối tượng chính sách, người nghèo của nước bạn Lào được tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, hoàn toàn miễn phí.
                
   

Bác sĩ Bệnh xá Laksao khám bệnh cho người dân Lào - Ảnh:qdnd.vn

   

Ông Khamman - Trưởng bản Phonpheng cho biết, trước đây, người dân bản khi ốm đau thường thuê thầy mo, thầy cúng về giải trừ tà ma vừa tốn tiền, vừa hại thân. Từ khi sang đứng chân trên địa bàn, Bệnh xá đã tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi hủ tục, mê tín dị đoan; đưa bà con tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại.

“Bệnh xá còn có chương trình khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; nhiệt tình giúp đỡ dân bản trong phòng, chống dịch Covid-19, tạo sự yên tâm cho người dân khi bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro…” - ông Khamman chia sẻ.

Ngoài Bệnh xá Laksao, Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện tỉnh Xay Xổm Bun ở bản Phu Hủa Xạng, huyện A Nu Vông, tỉnh Xay Xổm Bun đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) xây dựng Coecco Lào (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng trong năm 2022 để chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thiếu tá Nguyễn Đình Lưu - Giám đốc Xí nghiệp xây dựng 10, Công ty TNHH MTV xây dựng Coecco Lào, Chỉ huy trưởng công trình cho biết, Dự án được khởi công từ tháng 2/2022; sau khi hoàn thành, sẽ nâng cấp Bệnh viện cũ từ 35 giường, lên quy mô 80 giường, có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Qua đó, nâng cao năng lực của Bệnh viện, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và khu vực lân cận.

Đây là một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022; kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào.

Ngoài thực hiện các dự án y tế, Công ty TNHH MTV xây dựng Coecco Lào còn giúp nước bạn hoàn thành nhiều công trình văn hóa, kinh tế, giáo dục, phúc lợi xã hội... Ghi nhận những thành tích đó, Công ty đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giúp người dân nước bạn thoát nghèo hiệu quả

Mặc dù điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn... Tuy nhiên, vượt lên tất cả, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, các công ty trực thuộc Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 đã thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông giúp nhân dân nước bạn phát triển kinh tế, thoát nghèo hiệu quả.

Năm 2010, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, nhận thấy giống cây dong riềng Việt Nam thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước bạn, Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương phát triển cây dong riềng tại bản Nậm Xan, huyện Loong Chẹng, tỉnh Xay Xổm Bun, làm nên thương hiệu miến dong Nậm Xan. Sản phẩm này đã có mặt tại nhiều thị trường ở Lào, Việt Nam và một số quốc gia khác.

Từ kết quả đạt được, đến nay, Công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu đạt hơn 200 ha, với sản lượng bình quân từ 45 đến 50 tấn/ha; quy mô lên 3 nhà máy sản xuất miến và tinh bột dong tại các bản: Nậm Xan, Nậm Xiểm, Mường Om với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại.

“Hằng năm, mỗi nhà máy trung bình tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ dong riềng; đủ năng lực sản xuất được 90 tấn miến dong. Khi cần thiết có thể tăng công suất nhà máy lên hơn 2.800 tấn củ/năm; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân, với thu nhập bình quân khoảng 25 triệu kíp/vụ 7 tháng, tương đương khoảng 50 triệu đồng Việt Nam” - đại diện Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Luyện kim Viêng Chăn thông tin.

Đồng chí Bun Ma Xủ Nhạ Vông - Bí thư, Chủ tịch huyện Phả Xay nhấn mạnh, thời gian qua, nhờ có các dự án kinh tế và sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Công ty, đặc biệt là dự án trồng cây dong riềng đã giúp nhân dân địa phương có công ăn việc làm ổn định. Đồng thời, lãnh đạo huyện Phả Xay cũng bày tỏ mong muốn, Công ty có thêm nhiều dự án, tiếp tục mở rộng sản xuất, hỗ trợ người dân trong canh tác, thiết thực giúp đỡ địa phương và nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa hai nước.
                
   

Cán bộ Công ty TNHH MTV Phát triển miền núi kiểm tra rẫy nghệ ở bản
   Na Phờn, cụm bản Thông My Xay, huyện Viengthong, tỉnh Bolikhamsai -
   Ảnh minh họa

   

Ngoài cây dong riềng, năm 2017, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Công ty TNHH MTV Phát triển miền núi (Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4) đã đưa giống nghệ từ Việt Nam sang giúp 10 hộ dân tại bản Thồng Pợ, huyện Mok, tỉnh Xieng Khouang trồng thí điểm 10 ha nghệ để đánh giá năng suất, chất lượng nghệ củ. Sau khi thử nghiệm, nhận thấy cây nghệ phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, Công ty đã triển khai trồng rộng rãi trên địa bàn 6 bản: Na Phờn, Cha Lơn Mày, Nậm Tạc, Thồng Pợ, Na Mường, Khăng Viêng.

Sau 5 năm thực hiện, Công ty đã phát triển vùng nguyên liệu lên hơn 46 ha, thu hút 137 hộ dân tham gia, bình quân hằng năm cho thu hoạch hơn 500 tấn củ nghệ tươi. Đặc biệt, để bảo đảm thu mua nghệ củ cho người dân, Công ty đã xây dựng nhà máy chế biến tinh bột nghệ ngay tại địa bàn. Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Phát triển miền núi cho biết, từ loại cây chỉ dùng làm gia vị, nhiều hộ dân đã đưa cây nghệ trở thành cây trồng hàng hóa, với mức thu nhập từ 13 đến 15 triệu kíp/ha/năm./.
         
Tổng công ty Hợp tác Kinh tế Quân khu 4 được thành lập từ năm 1985; năm 2004 chuyển sang tổ chức, hoạt động theo mô hình công ty con - công ty mẹ. Hiện nay, Tổng công ty triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực trên địa bàn toàn quốc và nước bạn Lào, như: Xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, tư vấn; khảo sát, dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ; kinh doanh bất động sản; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản... với doanh thu hằng năm xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và quy mô khoảng 3.000 lao động.
THU HUYỀN
Cùng chuyên mục
Thắm tình hữu nghị nơi biên giới Việt - Lào