Tập trung nghiên cứu chiến lược thị trường, kết nối giao thương với châu Âu

(BKTO) - Các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu cần phát huy vai trò cầu nối các hoạt động kinh tế - thương mại, hỗ trợ các DN tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến các nước châu Âu và thế giới.



                
   

Hàng hóa Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh minh họa: VGP

   

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi chủ trì Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu, vừa diễn ra tại Thụy Sĩ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu - những tác động đến Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi, đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2022-2025.

Đánh giá cao những kết quả mà hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, châu Âu là khu vực có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là khu vực thị trường mà Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại...
         
Năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước châu Âu đạt 72,52 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020, xuất siêu 28,88 tỷ USD. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 25,39 tỷ USD, tăng 11,4 % so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 11,58 tỷ USD.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh đang đặt nhiệm vụ cho ngành Công Thương nói chung và các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu nói riêng cần phải nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng tốt các cơ hội, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như tham gia hình thành các chuỗi giá trị mới.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Thương vụ cần chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu của thị trường, từ đó tham mưu về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đưa ra khuyến cáo, định hướng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước cho các Hiệp hội ngành hàng, DN, địa phương, nhằm tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết để củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, là đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ phải tăng cường kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, thu hút DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và tạo điều kiện, hỗ trợ DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến động mạnh, thường xuyên trong tình trạng đứt gãy, gián đoạn, các Thương vụ phải tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu để Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhằm góp phần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, các Thương vụ cần tích cực tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng các vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo./.
PHÚC KHANG


Cùng chuyên mục
Tập trung nghiên cứu chiến lược thị trường, kết nối giao thương với châu Âu