Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

(BKTO) - Chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã trao đổi cởi mở về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế xanh hơn.



                
   

Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: BCT

   

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn chủ động, tích cực đóng góp có hiệu quả vào quá trình đàm phán thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên việc sớm cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với tinh thần nâng cao mục tiêu cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và tính toán đầy đủ các kịch bản để tổ chức triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021-2030.

Trong tổng phát thải quốc gia, lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng trên 70% tổng phát thải quốc gia vào năm 2030 và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2021-2030.

Năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và gửi Ban Thư ký Công ước khí hậu vào tháng 9/2020.

         
Việt Nam cam kết giảm 9% tổng phát thải khí nhà kính do quốc gia tự thực hiện và có thể nâng mục tiêu cam kết lên tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế thông qua các hợp tác song phương và đa phương đối với Việt Nam.
Tại cuộc họp, ông Alok Sharma - Chủ tịch Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 - đã nêu các vấn đề cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Ông Alok Sharma nêuvấn đề lưới điện là khó khăn lớn nhất đối với quá trình chuyển dịch dần khỏi than sang năng lượng tái tạo của Việt Nam và nhấn mạnh Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển khác sẵn sàng cung cấp những chuyên gia phù hợp giúp Việt Nam. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng muốn cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ Việt Nam nâng cấp lưới điện.

Trao đổi về việc phê duyệt dự án, ông Alok Sharma cho biết, các nhà đầu tư cần nắm rõ về thủ tục phê duyệt dự án cũng như các tiêu chí cấp phép; biết thời hạn của Biểu giá điện ưu đãi (FIT). Vì vậy, cần có sự tham gia tư vấn của các đối tác quốc tế trong việc thực thi Thỏa thuận mua bán điện để mang lại sự đảm bảo cao hơn cho các nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút nguồn lực tài chính quốc tế cho các dự án lớn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ về giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo; định hướng phát triển lưới điện thông minh…

Bộ trưởng Công Thương khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn định hướng phát triển ngành năng lượng một cách bền vững, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hướng tới tăng trưởng xanh. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của quốc gia và sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

P.KHANG
Cùng chuyên mục
Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu