Phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du - miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng đạt kết quả khả quan

(BKTO) - Mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng của vùng Trung du - miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả khả quan, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì.



                
   

Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Đồng bằng sông Hồng - Ảnh: TTXVN

   

Đánh giá trên được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Trung du - miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng, ngày 14/9.

Nhiều địa phương trong vùng duy trì tăng trưởng tốt

Tổng hợp kết quả báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 02 vùng Trung du, miền núi Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%...;

Thu NSNN của 02 vùng trong 8 tháng qua đạt 406,62 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 108,62 tỷ USD, chiếm trên 50% cả nước; tổng vốn FDI đăng ký đạt 6,9 tỷ USD, chiếm 36,1% cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 30.360 doanh nghiệp, chiếm 37,2% cả nước.

Trong đó, riêng vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,78%; tổng thu NSNN 8 tháng đạt 356 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng số thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD, chiếm gần 34% cả nước; tổng vốn FDI đăng ký đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 30% cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới là 26.289 doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam bộ, chiếm 32,2% số doanh nghiệp cả nước với số vốn đăng ký 353.552 tỷ đồng.

Đặt các địa phương vào mối liên kết và quy hoạch vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có, hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của 02 vùng gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương trong vùng đang nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Để chuẩn bị cho năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) Hoàng Văn Vịnh cho biết, vùng Trung du - miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng xác định tập trung thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, quyết tâm phấn đấu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng; đồng thời vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo đó, 02 vùng sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và của vùng Đồng bằng sông Hồng là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
                
   

Liên kết sản phẩm du lịch miền núi phía Bắc - Ảnh: TTXVN

   

Bên cạnh đó, các vùng tiếp tục tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thu hút các nguồn lực; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp.

Ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án đầu tư

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2021 của vùng Đồng bằng sông Hồng ước đạt 52,9% kế hoạch (tỷ lệ chung của cả nước 42,92%), trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 58,9%; vốn ngân sách trung ương đạt 25,3%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân nằm trong nhóm cao nhất nước là Quảng Ninh 102,4%, Hải Phòng 91,68%, Thái Bình 85,8%, Hà Nam 85,75%...

Với vùng Trung du - miền núi phía Bắc, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 41,96%, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 60,65%; vốn ngân sách trung ương đạt 23,9%. Một số địa phương giải ngân cao như Thái Nguyên 67,01%, Yên Bái 59,96%, Lào Cai 57,93%...
                
   

Thái Nguyên là một trong những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong 8 tháng năm 2021 - Ảnh: TTXVN

   

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT cho rằng, vẫn còn những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 02 vùng. Năm 2021 là năm đầu tiên của kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án khởi công mới chưa đủ căn cứ để bố trí vốn. Hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ...

Đến thời điểm này, về cơ bản các địa phương đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư công năm 2022 với các danh mục chi tiết gắn với ngành, lĩnh vực cụ thể và với từng nguồn vốn đầu tư công và được gắn với kế hoạch đầu tư 2021-2025 theo thứ tự ưu tiên đầu tư về ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá. Danh mục dự án dự kiến bố trí vốn NSNN năm 2022 thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá, tổng nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các vùng đều tăng cao hơn so với kế hoạch năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số vốn ngân sách trung ương trong nước dự kiến cao gấp gần 2 lần kế hoạch 2021 là chưa phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư trong kế hoạch tài chính và tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân của từng dự án trong năm 2022./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Hoa quả Việt Nam thâm nhập thị trường Australia
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, dù đại dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam, nhiều thành phố tại Australia cũng bị phong toả nhưng nhiều mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam như thanh long, nhãn, sầu riêng, gạo, chè, vải sấy khô, gừng… vẫn đang được bày bán rất nhiều tại Australia.
  • Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 39
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Từ ngày 13-16/9, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 39 (AMEM 39) và các Hội nghị liên quan với chủ đề “Chúng ta quan tâm, Chúng ta sẵn sàng, Chúng ta thịnh vượng” được diễn ra theo hình thức trực tuyến.
  • Tổ chức Triển lãm SIE 2021 và VME 2021 theo hình thức trực tuyến
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sáng 15/9, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội và Công ty ReedTradex Việt Nam khai mạc trực tuyến Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 (SIE 2021) và Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2021).
  • Mời doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2021
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tham gia Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) 2021 là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
  • Australia tài trợ cho 4 dự án chuyển đổi số tại Việt Nam
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chính phủ Australia công bố tài trợ gần 1,4 triệu AUD (đô la Úc) cho 4 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là vòng tài trợ thứ ba của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du - miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng đạt kết quả khả quan