Phát triển chuỗi cung ứng ngành trong bối cảnh Covid-19

(BKTO) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo về chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh Covid-19, trước mắt là 3 ngành: Nông nghiệp; Chế biến thực phẩm và Ô tô - Xe điện.



                
   

UNDP hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu báo cáo về chuỗi cung ứng ô tô - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Theo Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, đại dịch Covid-19 kéo dài đặt ra câu hỏi về tính thời điểm, sức mạnh của sự phục hồi kinh tế và chính sách cần được xem xét để tiến lên phát triển bền vững về môi trường, xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo nghiên cứu nhằm đánh giá lại tác động của dịch Covid-19 lên chuỗi cung ứng của một số ngành tại Việt Nam, từ đó khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của các DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với 03 ngành được chọn, nhóm nghiên cứu cũng soạn thảo khung khuyến nghị chính sách trong thời hạn 3 năm với các chương trình hành động ngắn hạn trong 6 tháng; hành động trung hạn trong 1 năm và hành động dài hạn trong 3 năm.

Đại diện Ernst & Young Việt Nam cho biết, nghiên cứu được thực hiện theo 4 giai đoạn: Chuẩn bị, thống nhất phương pháp tiếp cận và cách thức thực hiện; Phân tích chiến lược và đánh giá tổng quan chuỗi cung ứng 10 ngành nhằm đánh giá và lựa chọn 3 ngành ưu tiên; Phân tích chuyên sâu chuỗi cung ứng 3 ngành được ưu tiên lựa chọn và Khuyến nghị các chính sách hỗ trợ và biện pháp can thiệp cho 3 ngành đã chọn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm, dẫn đến những thách thức của DN trong việc ứng phó với sự gián đoạn thị trường trong bối cảnh đại dịch. Các vấn đề nổi cộm bao gồm hệ thống logistics kém phát triển; kênh phân phối chính là xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và chợ truyền thống.

Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến khả năng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế; năng lực về nghiên cứu và phát triển (R&D) để tham gia vào các hoạt động mang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng cũng như thay thế hàng hóa nhập khẩu; năng lực xây dựng thương hiệu.

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia khuyến nghị biện pháp can thiệp chính đối với 02 ngành Nông nghiệp và Chế biến thực phẩm nên chia thành các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với ngành công nghiệp ô tô và xe điện, các đề xuất tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện và được khuyến nghị thực hiện trong thời gian trung và dài hạn.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế nên Nghiên cứu này rất hữu ích khi nhắc đến sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và cơ hội của Việt Nam khi nhu cầu tăng trở lại, chuỗi cung ứng hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Trong dài hạn, tất cả các ngành kinh tế của Việt Nam đều phải cơ cấu lại. Do đó, các tổ chức quốc tế nên đồng hành cùng Bộ KH&ĐT trong nghiên cứu chương trình phục hồi nền kinh tế sau Covid-19. Trên cơ sở nghiên cứu này có thể mở rộng ra các vấn đề khác của nền kinh tế./.
H.THOAN
Cùng chuyên mục
Phát triển chuỗi cung ứng ngành trong bối cảnh Covid-19