Năm 2020: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao khu vực châu Á

(BKTO)- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8% song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố hôm nay, 03/4.



                
   

ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt 4,8% - Ảnh: nguồn internet

   

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị suy giảm mạnh do chịu cú sốc ban đầu về nguồn cung, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự giảm mạnh về cầu vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020 so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu, chủ yếu dựa vào nguyên vật tồn kho, tuy nhiên, nguồn này cũng đang giảm dần. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực dịch vụ bị tác động nhiều nhất của đại dịch, tốc độ tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I/2020 so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019.

Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) bao gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm: giảm các loại thuế, phí cho các DN bị ảnh hưởng và giãn thời hạn nộp thuế. Dự tính, các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên. Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 (theo dự báo của ADB trước khi xảy ra đại dịch COVID-19) và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung, dài hạn.

“Dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á” - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.

Theo ADB, động lực thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai đến từ nhiều yếu tố. Cụ thể, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là một trong những nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Theo Tập đoàn tư vấn Boston, quy mô của tầng lớp trung lưu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2014 lên 33 triệu người, tức là 1/3 dân số của cả nước. Khu vực kinh tế tư nhân năng động, đáng chú ý là kinh tế hộ gia đình và các DN tư nhân trong nước vẫn vững mạnh.

Cùng với đó, môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong tháng 1 và tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tiêu này sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm nay vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch COVID-19.

Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường và sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.

Việc Trung Quốc khống chế được COVID-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.

ĐỨC THÀNH
Cùng chuyên mục
  • Thu ngân sách năm 2019 -  bức tranh nhiều điểm sáng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thu ngân sách tăng cao so với dự toán, trong đó, thu ngân sách T.Ư và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán; hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa… Đây là những điểm sáng trong bức tranh NSNN năm 2019.
  • Xuất khẩu dệt may tăng trưởng trong khó khăn
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước và kéo dài hơn dự kiến. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm tổng cầu dệt may chỉ tăng 3,3% so với mức tăng 7,4% năm 2018, cụ thể là tổng cầu tiêu thụ dệt may trên thế giới chỉ bằng 45% tốc độ tăng trưởng năm 2018. Trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2,4%, trong khi Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7,3% với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 39 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với kế hoạch.
  • Dân số Việt Nam tăng 10,4 triệu người trong 10 năm
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) –Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.
  • Để du lịch Việt cất cánh
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/12.
  • Sửa Luật để khắc phục những vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vừa được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, nhiều quy định của Dự thảo Luật, trong đó có quy định liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, định mức kinh tế - kỹ thuật đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Năm 2020: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao khu vực châu Á