Minh bạch, hiệu quả trong ưu đãi đầu tư

(BKTO) - Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Bên cạnh những ý kiến phân tích, tranh luận về việc cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, quy định về chính sách ưu đãi đầu tư sao cho công bằng, minh bạch và hiệu quả được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra.




Việc hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực từ nước ngoài còn một số bất cập. Ảnh: TTXVN

Tránh ưu đãi dàn trải, cào bằng

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi... Đồng thời, bổ sung hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Đề cập vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu rõ, thực tế thời gian qua, việc hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều hơn nguồn lực từ nước ngoài. Tuy nhiên, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như: tính minh bạch của hệ thống chính sách pháp luật chưa cao, còn chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi đối với DN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo khe hở cho DN lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng.

Theo đại biểu Tuyết, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ hơn nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô, tránh chồng chéo trong các quy định pháp luật. “Phải tạo chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện khó khăn, các vùng kinh tế tác động lan tỏa. Đồng thời, mức ưu đãi phải khác nhau, không cào bằng giữa các địa bàn và đối tượng… để phát huy hiệu quả nguồn lực ưu đãi” - đại biểu đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ cần quy định chi tiết danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi, đảm bảo nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển trên từng địa bàn, tránh áp dụng tràn lan. Việc ưu đãi đầu tư có thời hạn trên cơ sở kết quả dự án, ngành, nghề có khả năng tạo ra giá trị cao và thúc đẩy hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đảm bảo quyền của nhà đầu tư được tiếp cận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, cần quy định rõ trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo chặt chẽ và công bằng. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng, bổ sung các tiêu chí, điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đầu tư, đảm bảo thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực sự rõ ràng, thuận lợi.

Ngăn chặn lợi dụng ưu đãi để chuyển giá, trốn thuế

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nhấn mạnh, việc xác định vốn đầu tư và giá trị đầu tư thực tế của dự án rất quan trọng và đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn, quy định cụ thể về việc xác định giá trị vốn đầu tư để làm căn cứ hưởng ưu đãi. Quy định này sẽ góp phần tăng tính minh bạch, bình đẳng trong việc cấp ưu đãi đầu tư. Cùng với đó, cần quy định các DN trong thời gian hưởng ưu đãi miễn Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn phải nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế; giúp cơ quan thuế quản lý thông tin về kết quả hoạt động của DN và bảo đảm đối tượng hưởng ưu đãi thuế thực hiện các hoạt động đầu tư như cam kết.

Đại biểu Hà cũng đề nghị cân nhắc quy định ưu đãi đầu tư theo hướng áp dụng mức thuế suất Thuế TNDN được miễn, giảm có thời hạn hoặc cả đời dự án, các ưu đãi được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Với quy định này, một công ty có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất Thuế TNDN được ưu đãi khác nhau. Điều này có thể “khuyến khích” các DN thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất cao sang dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất thấp để trốn thuế. Đặc biệt, đại biểu Hà kiến nghị bỏ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt dựa trên tổng vốn đầu tư và bổ sung ưu đãi dựa trên chi phí thực tế nhằm đảm bảo rằng chỉ khi dự án đi vào thực hiện có đầu tư thực tế, có chi phí thực tế thì mới được hưởng ưu đãi, chống hiện tượng đầu tư ảo và khai vống vốn đầu tư. Đồng thời, bổ sung quy định việc định kỳ đánh giá ưu đãi đầu tư, làm cơ sở hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề xuất, Dự thảo Luật cần quy định việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về DN, đặc biệt là các DN FDI để các cơ quan T.Ư, địa phương tổng hợp đánh giá, giám sát hiệu quả kịp thời, tránh tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng và các vi phạm khác. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn về việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế DN lỗ lũy kế, mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng ưu đãi về thuế.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Năm 2020: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao khu vực châu Á
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8% song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố hôm nay, 03/4.
  • Thu ngân sách năm 2019 -  bức tranh nhiều điểm sáng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thu ngân sách tăng cao so với dự toán, trong đó, thu ngân sách T.Ư và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán; hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa… Đây là những điểm sáng trong bức tranh NSNN năm 2019.
  • Xuất khẩu dệt may tăng trưởng trong khó khăn
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước và kéo dài hơn dự kiến. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm tổng cầu dệt may chỉ tăng 3,3% so với mức tăng 7,4% năm 2018, cụ thể là tổng cầu tiêu thụ dệt may trên thế giới chỉ bằng 45% tốc độ tăng trưởng năm 2018. Trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2,4%, trong khi Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7,3% với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 39 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với kế hoạch.
  • Dân số Việt Nam tăng 10,4 triệu người trong 10 năm
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) –Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.
  • Để du lịch Việt cất cánh
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh", Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/12.
Minh bạch, hiệu quả trong ưu đãi đầu tư