Huyện Văn Giang (Hưng Yên) chuyển mình “khoác áo mới” nhờ cây, hoa cảnh và đô thị xanh

(BKTO) - Là một trong những "thủ phủ" cây, hoa cảnh của miền Bắc, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) còn được biết đến với tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều loại hình dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Sự cộng hưởng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyên sâu, chủ đạo là cây, hoa cảnh với sự tiện ích của đô thị đã giúp cho Văn Giang - vốn là một huyện thuần nông nghèo đang “thay áo mới” tươi sáng hơn.



Những làng cây, hoa cảnh triệu đô

Đến Văn Giang những ngày này, nhiều người không khỏi choáng ngợp về sự chuyển mình, thay da đổi thịt đến bất ngờ nơi đây. Những vườn cây, hoa cảnh mang dáng dấp của những khu du lịch sinh thái, với đầy đủ dịch vụ tiện nghi; những tuyến đường giao thông hiện đại và những khu đô thị kiểu mẫu liên tục mọc lên với đặc trưng bao trùm là một màu xanh mát mắt... níu chân người qua đây phải dừng lại một lần để “check-in”.

Là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, trên đầu mối giao thông liên vùng Hà Nội - khu vực Đông Bắc và vành đai phát triển vùng Thủ đô với những tuyến giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, các tuyến vành đai… huyện Văn Giang đã hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
                
   

Huyện Văn Giang nằm trên đầu mối giao thông liên vùng Hà Nội - khu vực Đông Bắc rất thuận lợi. Ảnh: N.LỘC

   

Phát huy tốt lợi thế và thực hiện tốt các định hướng, giải pháp trọng tâm phù hợp, Văn Giang từ một huyện thuần nông nghèo của ngày mới tái lập, nay đã trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển đồng đều, toàn diện.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 13,4%; giá trị thu trên 1 hécta đất canh tác đạt 318 triệu đồng, tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng. Đáng chú ý, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện, trong đó có 8/10 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Văn Giang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện, tạo diện mạo nông thôn hiện đại, văn minh. Những dấu ấn này càng trở nên ý nghĩa, khi Văn Giang từng là một huyện nông nghiệp nghèo, đi lên từ chính nông nghiệp.
                
   

Văn Giang đang biến những vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả thành những làng cây, hoa cảnh triệu đô. Ảnh: N.LỘC

   

Dựa trên thế mạnh nông nghiệp, với truyền thống sản xuất lâu năm, người nông dân nhanh, nhạy trong tiếp cận các loại hình cây trồng mới, với công nghệ hiện đại, huyện Văn Giang đã chuyển đổi thành công theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó nổi bật là thế mạnh trồng hoa, cây cảnh. Dẫn chúng tôi đi tham quan tại một số làng hoa xã Xuân Quan, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Nguyễn Quốc Chương - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện cho biết, tính đến nay, toàn huyện có trên 1.350 hécta chuyên trồng hoa, cây cảnh các loại. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung quy mô từ 20 hécta/vùng trở lên tại Văn Giang được hình thành khá rõ nét với 03 vùng chính gồm: Vùng trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao (trên 250 hécta); vùng trồng cây quả cảnh (trên 300 hécta) và vùng chuyên trồng cây nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hoa cây cảnh (trên 100 hécta).

Trên địa bàn huyện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh, trong đó 02 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (Làng nghề hoa Xuân Quan và làng nghề hoa, cây cảnh Phụng Công); 03 sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm “Quất cảnh Văn Giang”, “Cam Văn Giang” và “Hoa Xuân Quan” giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tổng giá trị thu được từ trồng hoa, cây cảnh trung bình mỗi năm của huyện đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng. Sản phẩm cây, hoa cảnh tại Văn Giang cũng được đưa xuất khẩu nhiều nước, từ đó mang lại cho huyện những ngôi làng, những gia đình "triệu đô", theo cách nói củaPhó Chủ tịch UBND huyện Văn GiangNguyễn Quốc Chương.

Màu áo mới đô thị hóa

Nếu như trước đây, việc phát triển kinh tế thuần nông lạc hậu của huyện Văn Giang khiến cho hoạt động phát triển nông nghiệp của địa phương gặp nhiều rào cản, thì nay, nhờ có sự phát triển của đô thị và các loại hình dịch vụ khác đã góp phần mở ra triển vọng mới cho thị trường các làng nghề này.

Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Chu Quốc Hiệu, nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ từ các nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa; các hoạt động kinh tế, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn hiện nay phát triển nhanh chóng; các dự án xây dựng khu đô thị mới tiếp tục được đăng ký đầu tư... tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa của huyện.

Đến nay, huyện có 2 địa phương được công nhận đô thị loại V là thị trấn Văn Giang và xã Mễ Sở. Tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp trên địa bàn huyện chiếm trên 70%, là địa bàn phát triển đô thị của tỉnh với diện tích xây dựng đô thị được duyệt hơn 3 nghìn hécta (chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên của huyện).

Trong đó, một số khu đô thị đã và đang hoàn thành góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Văn Giang phải kể đến như Khu đô thị Ecopark, Vinhomes Dream City, Vinhomes Ocean Park...
                
   

Một góc Trường Đại học Anh Quốc BUV trong Khu đô thị Ecopark trên địa bàn huyện Văn Giang. Ảnh: N.LỘC

   

Đặc biệt, giá trị gia tăng mà các khu đô thị này mang lại cho huyện là rất lớn, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhiều trường đại học quốc tế cũng tìm đến đầu tư, xây dựng cơ sở trên địa bàn huyện, như Đại học Anh Quốc BUV, Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, Trường liên cấp quốc tế Chadwick Ecopark...

Một lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Giang cũng cho biết thêm, theo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị trên địa bàn huyện Văn Giang, huyện đang triển khai lập quy hoạch khu đô thị trung tâm huyện Văn Giang, quy mô khoảng 753 hécta, đồng thời nghiên cứu một số dự án quy hoạch như: Khu đô thị hiện đại kiểu mẫu, thành phố vệ tinh của Thủ đô; khu đô thị công nghiệp Vĩnh Khúc...

Với hiện trạng đang có, cùng với sự phát triển không ngừng của hệ thống đô thị trong tương lai, có thể thấy, mục tiêu hướng đến năm 2030, Văn Giang sẽ trở thành đô thị loại III và thuộc nhóm đô thị phát triển nhanh, độc lập không còn trở nên xa vời.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Huyện Văn Giang (Hưng Yên) chuyển mình “khoác áo mới” nhờ cây, hoa cảnh và đô thị xanh