Giải bài toán nhân lực: Tăng lương thôi chưa đủ!

(BKTO) - Để giải bài toán nhân lực, đảm bảo cung - cầu thị trường, theo các chuyên gia, tăng lương chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, doanh nghiệp cần tính đến các giải pháp bền vững hơn…



                
   

Theo dự báo, nhu cầu tuyển dụng nhân sự mảng bán lẻ tăng cao trong quý III/2022. Ảnh:Internet

   

Quý III, nhân lực ngành bán lẻ “lên ngôi”

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp vừa được Tập đoàn tuyển dụng lao động (Navigos Group) công bố cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhân sự mảng bán lẻ tăng rất cao trong quý III/2022.

Theo Navigos, quý III chứng kiến sự sôi động về tìm kiếm các cơ hội mới của các ứng viên trong ngành bán lẻ. Ở góc độ nhà tuyển dụng trong mảng bán lẻ, họ đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng mới để bù lại sự giảm sút hoặc đóng cửa năm 2021. Do vậy, các doanh nghiệp trong mảng này tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự, chủ yếu ở vị trí tài chính - kế toán, bán hàng, marketing và phụ trách cửa hàng.

“Dự báo các doanh nghiệp mảng bán lẻ đang nỗ lực mở lại hoạt động và tăng trưởng theo nhu cầu của thị trường nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ tăng rất cao trong 3 tháng đến 6 tháng tới”- báo cáo của Navigos nêu rõ.

Cũng theo Navigos, ngày càng nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế và chọn Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Do nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng đã phục hồi gần như hoàn toàn sau dịch Covid-19 và đang tăng trưởng nên các khách hàng trong mảng bất động sản công nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhiều dự án, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng cao.

Theo bà Nguyễn Hà - Giám đốc Adecco Hà Nội, từ vài năm nay, xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là nhân tố khiến nhu cầu tuyển dụng lao động những lĩnh vực trên gia tăng.

Trước đó, trong quý II/2022, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lực lượng lao động tăng mạnh lên 51,6 triệu người, tăng 0,5 triệu người so với quý I/2022; lao động có việc làm phục hồi mạnh mẽ đạt 50,5 triệu người, trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục thu hút nhiều lao động sau mức giảm chạm đáy vào quý III/2021.

Lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước. Trong 3 quý gần đây nhất, bình quân mỗi quý, khu vực này đón nhận thêm gần 900 nghìn lao động, cao hơn rất nhiều so với mức tăng của 2 khu vực còn lại là nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng.

Áp lực vì khó tuyển được lao động

Thực tế vào đầu tháng 7, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tăng mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Dệt may, da giày là hai ngành hàng cần nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, dệt may khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da dày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%. Những năm gần đây, đặc biệt sau dịch Covid-19, hai ngành phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn nhận rất nhiều đơn hàng nhưng không đủ nhân công. Trung bình mỗi năm, các nhà máy mất 10% lao động. Số tuyển mới gần như chỉ bù đắp được phần thiếu hụt. Các doanh nghiệp khó tuyển được người trẻ.

Hiện, tuổi bình quân của công nhân ở nhiều nhà máy may mặc đến 41-42, tức lao động lớn tuổi chiếm số đông. Họ gắn bó vì khó tìm được công việc khác hoặc cố gắng làm để chờ tuổi nghỉ hưu. Nhân lực không đáp ứng đủ nên các công ty quy mô dưới 1.000 lao động khá dè dặt khi ký các đơn hàng lớn, buộc phải nhận các hợp đồng nhỏ, đơn giá thấp.

Riêng tại TP HCM, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi), sau dịch bệnh, nhu cầu sử dụng lao động của dệt may, da giày tăng rất cao song khả năng đáp ứng của thị trường còn hạn chế.

Để giải bài toán nhân lực cũng như ổn định thị trường, theo các chuyên gia, tăng lương để thu hút lao động chỉ được xem là giải pháp tình thế bởi nếu kéo dài sẽ dẫn đến lạm phát về lương. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ, tác động không tốt lên toàn xã hội.

Về lâu dài, doanh nghiệp phải tính đến các giải pháp bền vững như chăm lo sức khỏe, tinh thần cho nhân viên, tăng phúc lợi, mở ra cơ hội thăng tiến cho tất cả lao động.

Theo bà Thanh Lê - Giám đốc quốc gia Adecco Việt Nam, với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, các chiến dịch tuyển dụng lớn và các hoạt động xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng có thể giúp giảm bớt tình trạng “khát” lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ đối mặt với rủi ro mất đi nhân sự chủ chốt vào tay các doanh nghiệp khác, vì sau đại dịch, người lao động nhận ra các ngành có văn hóa linh hoạt và phát triển ổn định sẽ hấp dẫn hơn và ít bị tổn thương hơn khi đối mặt với các thay đổi từ thị trường./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Giải bài toán nhân lực: Tăng lương thôi chưa đủ!