EVFTA tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam

(BKTO) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có những tác động mạnh mẽ tới các mặt kinh tế - xã hội và nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam.



                
   

EVFTA tác động tới nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tài chính

   

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo “Tác động của hiệp định EVFTA sau đại dịch Covid-19 đối với các mặt kinh tế - xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, được thực thi trong bối cảnh cả Việt Nam và các nước thành viên EU cũng như toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19.

Số liệu thống kê cho thấy, Covid-19 đã tác động phức tạp tới hiệu quả, tác động của Hiệp định EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU giảm mạnh trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại châu Âu.

Cụ thể, tháng 4/2020, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sụt giảm mạnh nhất so với các thị trường và giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu của các nước EU giảm. Cả năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU giảm 2,7% so với năm 2019.

Trước bối cảnh đó, tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện báo cáo “Đánh giá định lượng về tác động của EVFTA sau đại dịch Covid-19 đối với các mặt kinh tế - xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp” trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa nhằm phát huy tốt nhất tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của Hiệp định mang lại.

Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), dưới tác động của đại dịch Covid-19, tại Việt Nam, có tới 30% DN bị thiếu nguyên liệu đầu vào, với mức thiếu hụt trung bình khoảng 50,5% nhu cầu; thị trường tiêu thụ trong nước của khoảng 64,3% DN bị thu hẹp; 48,2% DN xuất khẩu gặp khó khăn; 51% DN bị giảm lượng đơn hàng mới…

Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đã đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp như tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của DN và các cơ quan quản lý về EVFTA.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho DN, đáp ứng quy tắc xuất xứ; giảm thiểu tác động và ứng phó với các yếu tố tiêu cực, như các biện pháp phòng vệ và tranh chấp thương mại…; tích cực thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Các đại biểu dự Hội thảo đều nhận định, EVFTA có tác động rất tích cực tới kinh tế Việt Nam, nhất là khi kinh tế EU phục hồi, cầu về tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Đây sẽ là cơ hội tốt nâng cao hiệu quả của Hiệp định cho cả hai bên.

Tuy nhiên, Covid-19 đang có tác động nhiều chiều tới hiệu quả của Hiệp định. Một số ngành có xuất khẩu gia tăng nhanh nhưng lại bị tắc nghẽn nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới và nhiều ngành khác cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo các đại biểu, với mục tiêu phục hồi kinh tế sau Covid-19, Việt Nam cần phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và Hiệp định EVFTA chính là một công cụ hữu hiệu để thực thi nhiệm vụ hoàn thiện môi trường kinh doanh mà Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã đặt ra./.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
EVFTA tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam