Doanh nghiệp đang tiến bộ trong hành trình kỹ thuật số

(BKTO) - Các công ty đang tăng tốc chi tiêu cho kỹ thuật số trong năm 2022 nhằm đối phó với áp lực ngày càng tăng, đồng thời nhanh chóng đưa các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ công nghệ ra thị trường. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn trong việc xác định rõ ràng chiến lược kỹ thuật số, báo cáo Chỉ số đầu tư kỹ thuật số (DII) 2022 của EY-Parthenon đánh giá.



                
   

   
Đo lường lợi nhuận để phân bổ vốn kỹ thuật số

Theo khảo sát của EY-Parthenon, các công ty đang có kế hoạch tăng 65% chi tiêu cho kỹ thuật số so với năm 2020. Trong đó, các nhà điều hành có kế hoạch phân bổ 5,8% doanh thu của họ cho kỹ thuật số so với 3,5% trong cuộc khảo sát năm 2020.

72% giám đốc điều hành nói rằng họ phải chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của mình trong hai năm tới để tăng khả năng cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, tăng 10% so với DII 2020. Trong đó, các công ty sẽ cần tập trung vào việc mở rộng các giải pháp công nghệ và hiện thực hóa lợi ích khi họ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án có mức độ ưu tiên cao.

Ngoài ra, các DN cũng đang tập trung đo lường lợi nhuận kỹ thuật số (RODI) và kỳ vọng lợi tức đầu tư trung bình năm 2022 là 7,6%, cao hơn đáng kể so với mức 4,4% đạt được trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm đo lường RODI cho các dự án, chương trình kỹ thuật số và các trường hợp sử dụng vẫn chưa được áp dụng một cách hệ thống.

Trái ngược với 44% DN đẩy mạnh RODI, 56% còn lại vẫn loay hoay không biết họ đã chi bao nhiêu cho hoạt động kỹ thuật số và giá trị mà các khoản chi trong năm ngoái có thực sự giúp gia tăng doanh thu, giảm chi phí và vốn lưu động. Các chuyên gia của EY khuyến nghị rằng, để đo lường lợi nhuận, DN phải minh bạch về các trường hợp sử dụng kỹ thuật số.

Cụ thể, DN cần tiếp cận một cách có hệ thống để phân bổ vốn kỹ thuật số cho từng trường hợp với quy trình quản trị chặt chẽ. Thêm vào đó, DN cần tập trung vào các trường hợp đầu tư kỹ thuật số mang lại giá trị cao và tác động tích cực đến khía cạnh chính của DN. Từ đó, lãnh đạo DN đặt ra các nguyên tắc hướng dẫn rõ ràng để thúc đẩy chiến lược phân bổ vốn kỹ thuật số, đồng thời xem xét các mục tiêu chiến lược, danh mục công nghệ, lợi tức đầu tư và tác động tiềm năng đối với DN.

Một cách hiệu quả nữa để tăng giá trị cho các khoản đầu tư công nghệ là sử dụng các khoản đầu tư vô cơ, chẳng hạn như đầu tư mạo hiểm, mua bán - sáp nhập và quan hệ đối tác… để đẩy nhanh hành trình kỹ thuật số. Kết quả khảo sát của EY cho thấy, 55% DN đang chọn các khoản đầu tư vô cơ với lý do dễ dàng tiếp cận vốn, số lượng và chất lượng của các mục tiêu công nghệ được cải thiện.

Trong đó, 34% lựa chọn quan hệ đối tác để thu được lợi nhuận tài chính với mức đầu tư vốn thấp hơn; 32% lựa chọn mua bán - sáp nhập để tiếp cận nhanh hơn với công nghệ và sản phẩm mới và 45% ủng hộ đầu tư mạo hiểm để mở rộng thị trường mới và tiếp cận sớm với công nghệ hoặc tài sản.

Mặc dù các khoản đầu tư khác nhau sẽ có cấu hình rủi ro và lợi tức khác nhau nhưng có tới 87% giám đốc điều hành cho biết, các khoản đầu tư vô cơ gần đây nhất của họ đã đáp ứng hoặc vượt trên mong đợi. Để đạt được sự kết hợp tối ưu, các DN cần đồng bộ hóa các loại hình đầu tư này với nhau và đánh giá khả năng phù hợp của từng loại với các mục tiêu tổng thể của DN, báo cáo của EY nhấn mạnh.

Hiện thực hóa lợi ích dựa trên các yếu tố nền tảng

Báo cáo DII 2022 cho thấy, các DN đang chuyển từ giai đoạn xây dựng các năng lực kỹ thuật số sang giai đoạn phát triển hoặc mở rộng quy mô và bắt đầu gặt hái được lợi ích. Năm 2022, DN dành 31% vốn cho giai đoạn xây dựng, trong khi 69% chi tiêu đã chuyển sang phát triển công nghệ (năm 2020 tương ứng là 36% và 64%).

Một dấu hiệu khác về sự tiến bộ trong hành trình kỹ thuật số của các DN là việc mở rộng quy mô đầu tư công nghệ, nhất là sau khi họ nhận ra đầy đủ lợi ích của việc đầu tư vào đám mây, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Điều này có nghĩa là họ đã thiết lập các yếu tố nền tảng của chuyển đổi kỹ thuật số và tiến tới hiện thực hóa lợi ích thu về.

Các chuyên gia của EY nhấn mạnh rằng, một chiến lược rõ ràng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo mức vốn đầu tư phù hợp. Điều này đòi hỏi DN phải kết nối các chiến lược kỹ thuật số của họ với các điều kiện về văn hóa, sự nhanh nhẹn, trách nhiệm giải trình, lộ trình đo lường và thực hiện.                
   

   

Ở thời điểm hiện tại, DN phải tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số có giá trị nhất, sau đó thiết lập một trường hợp kinh doanh rõ ràng dựa trên nền tảng công nghệ. Thêm vào đó, khách hàng vẫn là trọng tâm trong các ưu tiên kỹ thuật số của DN bởi đây là lĩnh vực có tác động tích cực từ các khoản đầu tư kỹ thuật số.

DN cần thực hiện phương pháp tiếp cận danh mục đầu tư tinh gọn, ưu tiên các trường hợp sử dụng và thiết lập quy trình cấp vốn chính thức với các mốc quan trọng gắn liền với mục tiêu đầu tư. Đồng thời, tận dụng chi tiêu kỹ thuật số theo hướng thiết lập các nguyên tắc, xem xét các mục tiêu chiến lược và tác động tiềm năng đối với DN.

Các DN có thể xây dựng chiến lược tăng trưởng tích hợp các khoản đầu tư vô cơ để đáp ứng mục tiêu đổi mới và nhanh chóng đưa sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường. Ngoài ra, DN vẫn phải đầu tư vào các công nghệ nền tảng, sau đó thiết lập một quy trình quản trị chính thức để đo lường hiệu quả trước khi phát triển và mở rộng quy mô các sáng kiến kỹ thuật số.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp đang tiến bộ trong hành trình kỹ thuật số