Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan hơn về triển vọng sản xuất kinh doanh

(BKTO) - Trong quý III/2021, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên cả nước, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó, các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.



                
   

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh minh họa: VGP

   

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN trong quý III/2021, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 50,9% DN lựa chọn nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 46% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 35% DN gặp khó khăn về tài chính; 33% DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 24,2% DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp.

Cùng với đó, 23,9% DN không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 18,8% DN cho rằng lãi suất vay vốn cao; 18,1% DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 15,1% DN đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu; 11,5% DN đánh giá do chính sách pháp luật của Nhà nước; 4,8% DN cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng là nhân tố ít ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN với 1,9% DN lựa chọn.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu như chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý III/2021 của các DN so với quý II/2021 bị -48,2% thì chỉ số cân bằng quý IV so với quý III là 17,1%, trong đó khu vực DN FDI cao nhất với 27,5%; khu vực DN ngoài Nhà nước 13,7%; khu vực DNNN 7%.
                
   

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của các DN quý IV dương 17,1%. Ảnh minh họa: VTV

   

Bà Nguyễn Thị Hương nêu rõ, trong quý III/2021, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Hoạt động của DN gặp khó khăn do thiếu lao động, chi phí lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình sản xuất 3 tại chỗ. Chỉ có 02/19 tỉnh chỉ số cân bằng lớn hơn chỉ số cân bằng chung toàn quốc là Bình Dương và Bạc Liêu. Còn lại 17/19 tỉnh có chỉ số cân bằng thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Tín hiệu đáng mừng là dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam đều lạc quan hơn so với quý III. Có tới 15/19 tỉnh, thành phố phía Nam có chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III lớn hơn bình quân chung của cả nước. Chỉ có 04/19 tỉnh, thành phố có chỉ số cân bằng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, tuy nhiên vẫn cao hơn quý trước là TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Phước và Bến Tre.

Box: Tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, chỉ có 9,7% DN tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này tại tỉnh Bình Dương là 50,7%, nhưng tại Đồng Nai chỉ là 0,4% và tại Long An là 0%. Tuy nhiên, có tới 49,4% DN tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV so với quý III sẽ tốt hơn và giữ ổn định. Tại tỉnh Bình Dương, tỷ lệ này là 87,2%, tại Đồng Nai là 75,8% và tại Long An là 56,1%.

Đơn hàng giảm trong quý III và sẽ khởi sắc theo nhóm ngành hàng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng rất lớn; chỉ có 38,6% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2021 so với quý II tốt lên và giữ ổn định, trong khi 61,4% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo quý IV/2021, tình hình sẽ khả quan hơn nhiều so với quý III khi có tới 73,7% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của DN tốt hơn và giữ ổn định, tỷ lệ DN dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 26,3%.

Kết quả điều tra về số lượng đơn đặt hàng mới của các DN chế biến, chế tạo quý III đã cho thấy tình hình không lạc quan như các quý trước. Chỉ có 44,6% DN đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (12,8% tăng và 31,8% giữ nguyên), trong khi 55,4% DN đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm.
                
   

Đơn hàng mới của các DN ngành dệt may được dự báo tăng trong quý IV/2021. Ảnh: TTXVN

   

Nếu xét theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ DN đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 tăng so với quý II là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 29,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 24,7%; ngành sản xuất trang phục 19,3%… Tuy nhiên, nhiều ngành có tỷ lệ DN đánh giá số lượng đơn đặt hàng giảm như ngành sản xuất thuốc lá 71,4%; ngành sản xuất xe có động cơ 68,2%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,9%….

Đáng mừng là nhiều DN dự báo số lượng đơn hàng mới quý IV/2021 so với quý III khả quan hơn, có tới 75,7% DN dự báo đơn hàng mới tăng hoặc giữ nguyên, chỉ có 24,3% DN dự báo giảm.

Về đơn hàng xuất khẩu, trong số các DN được khảo sát, có 48,8% DN cho biết số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III tăng và giữ nguyên so với quý II. Tỷ lệ DN dự báo có đơn hàng xuất khẩu mới giảm 51,2%. Tuy nhiên, các DN cũng dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 khả quan hơn với 77,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III, chỉ có 22,4% DN dự báo giảm.

Để hỗ trợ cho các DN, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, cần theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các DN chịu chi phí tăng cao trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa...
H.THOAN
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan hơn về triển vọng sản xuất kinh doanh