Chiến lược thoái vốn hiệu quả - cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp

(BKTO) - Ảnh hưởng của đại dịch, sự thay đổi của công nghệ, lợi nhuận sụt giảm... đã khiến nhiều DN trên toàn cầu tìm cách thoái vốn. Tuy nhiên, việc thoái vốn của nhiều DN chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.



                
   

56% DN cho biết việc thoái vốn gần đây nhất của họ không tạo ra nhiều tác động tích cực cho các mảng kinh doanh còn lại Nguồn: EY

   

Theo Nghiên cứu Thoái vốn DN toàn cầu của EY, 79% DN cho biết việc thoái vốn gần đây nhất của họ không đáp ứng được kỳ vọng về giá, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi 87% giám đốc điều hành (CEO) nói rằng họ không đạt được mức giá như mong đợi. Đồng thời, 56% DN cũng cho biết việc thoái vốn gần đây nhất của họ không tạo ra nhiều tác động tích cực cho các mảng kinh doanh còn lại.

Các động lực thoái vốn chính trên toàn cầu

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thoái vốn có thể kém hiệu quả khi chúng được coi là quyết định một lần dựa trên các yếu tố tài chính ngắn hạn, thay vì phù hợp với chiến lược tổng thể của công ty. Trên thực tế, gần 60% CEO thừa nhận rằng họ nên cung cấp thông tin tốt hơn về những gì được coi là kinh doanh cốt lõi và không cốt lõi.

Đại dịch đang ảnh hưởng đến các giao dịch trên toàn cầu, khiến các DN phải huy động vốn để đầu tư vào công nghệ và đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng hoặc thúc đẩy việc mua bán các DN hoạt động kém. Có tới 94% CEO xác nhận rằng những thay đổi trong bối cảnh công nghệ đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch thoái vốn. 2/3 số công ty cho biết việc thoái vốn gần đây nhất của họ được kích hoạt bởi lợi nhuận dưới mức tối ưu trong hoạt động kinh doanh đã thoái vốn.

Bên cạnh đó, các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng là một yếu tố tác động. Trên toàn cầu, 46% DN cho biết những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch thoái vốn. Những thay đổi về quy định các công ty giảm lượng khí thải carbon (đặc biệt là ở châu Âu) đang ảnh hưởng đến các quyết định thoái vốn, trong khi các công ty ở châu Mỹ suy nghĩ về tác động đối với quản lý và sự đa dạng của lực lượng lao động khi cắt đứt hoặc thay đổi hoạt động kinh doanh.

Xác định tài sản cốt lõi dựa trên nhiều yếu tố

Khi các DN phải đối mặt với vô số thách thức về địa chính trị, kinh tế vĩ mô…, việc quyết định thời điểm nào thoái vốn cần bắt đầu từ chiến lược. Theo đó, các CEO cần xác định DN nào không còn giúp thúc đẩy chiến lược của công ty, vốn được coi là không cốt lõi.

Tuy nhiên, 39% vẫn gặp khó khăn trong việc xác định công ty con nào trong danh mục đầu tư của họ là cốt lõi hay không cốt lõi và chỉ 37% coi việc phù hợp với tầm nhìn hoặc sứ mệnh của công ty là một yếu tố để xác định việc thoái vốn. Điều này cho thấy, trong một số trường hợp, chiến lược có thể không phải là động lực thúc đẩy các quyết định mà thay vào đó, các yếu tố tài chính ngắn hạn lại dẫn đầu.

Các chuyên gia của EY khuyến nghị, DN nên xem xét một số yếu tố chính sau để xác định đâu là cốt lõi: Thị trường của DN và nhu cầu tăng trưởng cơ bản, khả năng tận dụng năng lực cốt lõi của công ty, đề xuất giá trị so với giá trị của các đối thủ cạnh tranh, phù hợp với tầm nhìn hoặc sứ mệnh của công ty, tiềm năng tạo ra giá trị lâu dài từ quan điểm tài chính, khách hàng, con người hoặc xã hội.

Tái đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng

Nguồn vốn do các DN bán hàng huy động thường được đầu tư vào các năng lực cốt lõi hỗ trợ việc tạo ra giá trị lâu dài, chẳng hạn như công nghệ (79%) và thị trường, sản phẩm hoặc khu vực địa lý mới (65%), để nâng cao vị thế của các mảng kinh doanh còn lại trong tương lai. Một phần tiền từ việc thoái vốn được dành để tài trợ cho các hoạt động mua lại chiến lược nhằm thúc đẩy các phân khúc tăng trưởng chính.

Khi các điều kiện thị trường và nhu cầu của các bên liên quan thay đổi, các công ty có thể xem xét lại các động lực giá trị. Ngay cả những DN hoạt động tốt cũng có nguy cơ phá sản nếu không có chiến lược dài hạn còn phù hợp, bởi chiến lược sai lầm sẽ thu hẹp nguồn vốn đầu tư có tác động đáng kể hơn đến giá trị dài hạn.

Bên cạnh đó, các CEO có thể tập hợp nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư đằng sau việc thoái vốn bằng cách cho thấy việc thay đổi danh mục đầu tư hỗ trợ chiến lược của công ty như thế nào và có thể giúp thúc đẩy giá trị lâu dài. Họ cũng có thể chia sẻ tầm nhìn về đầu tư các mảng kinh doanh còn lại để nâng cao hiệu quả của việc thoái vốn. Điều này giúp tập hợp các bên liên quan trong việc quyết định xây dựng hoặc phát triển một DN./.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Chiến lược thoái vốn hiệu quả - cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp