Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đề ra 8 mục tiêu tổng quát cần phấn đấu thực hiện để đạt được kết quả vào năm 2030. Các mục tiêu được đưa ra với mục đích thay đổi tương lai dân số, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính, nâng chiều cao bình quân và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.



                
   

8 mục tiêu chiến lược dân số đến năm 2030

   

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững- Đó là các mục tiêu tổng quát của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chiến lược với quan điểm chỉ đạo là quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh".

Theo Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, chiến lược đề ra 8 mục tiêu tổng quát cần phấn đấu thực hiện để đạt được vào năm 2030, từ duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, đến thích ứng với già hóa dân số…

Cụ thể, mục tiêu đầu tiên của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị; bảo đảm quy mô dân số nước ta đến năm 2030 vào khoảng 104 triệu người. Cùng với đó, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. Thêm vào đó là việc thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu thứ hai của Chiến lược là bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Mục tiêu thứ ba là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Mục tiêu thứ tư là Nâng cao chất lượng dân số. Tỉ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu thứ năm là Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là mục tiêu thứ sáu với tiêu chí: 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc; 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Mục tiêu thứ bảy là Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỉ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm.

Mục tiêu cuối cùng là Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
                
   

Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 hứa hẹn sẽ giải quyết những tồn tại của Dân số Việt Nam- Ảnh: Internet

   

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng chia thành 2 giai đoạn thực hiện Chiến lược. Giai đoạn 1: Từ năm 2019-2021, xây dựng mô hình, chuẩn bị nguồn lực. Giai đoạn 2: Từ năm 2022-2030, mở rộng, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược.

Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Chiến lược đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế.

Về nhiệm vụ và giải pháp “Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số”, Quyết định cũng nhấn mạnh, sẽ bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công; thực hiện phân bổ kinh phí công khai, có định mức rõ ràng, tập trung cho cơ sở, phù hợp với các vùng, miền, địa phương; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN đầu tư cho công tác dân số.

Theo đó, nguồn lực thực hiện Chiến lược này do NSNN bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chiến lược theo quy định của Luật NSNN và văn bản hướng dẫn liên quan.

Ngoài ra, cần huy động các nguồn vốn ngoài NSNN cho công tác dân số; có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số

Phát triển thị trường bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại theo hướng đa dạng hóa các gói bảo hiểm, với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau bảo đảm các nhóm dân số đặc thù được bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.

Quyết định giao các Bộ, ngành, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai chiến lược này trên phạm vi cả nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chiến lược liên quan do các Bộ, ngành chủ trì thực hiện.

AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp:  Còn nhiều thách thức
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo yêu cầu của Bộ Chính trị đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công ty này sau khi sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt và đồng đều; vẫn có nơi quản lý đất đai, tài nguyên rừng còn kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông, lâm trường còn phổ biến.
  • Việt Nam đang  trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo” hàng đầu Đông Nam Á
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Đây là nền tảng vững chắc để ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở nên vượt trội, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cũng là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá, trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo - Innovation Hub” hàng đầu tại khu vực này.
  • Thiếu hụt điện năng từ thủy điện, tăng huy động điện chạy dầu
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dự báo nhu cầu sử dụng điện từ nay đến cuối năm 2019 tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, ngành điện đã và đang phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
  • Hơn 2.660 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ vẫn được đưa vào sử dụng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau bốn năm thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa (giai đoạn 2014-2018), những lỗ hổng và bất cập- đặc biệt là trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy tại các cao ốc trên cả nước vẫn là bài toán khó chưa được giải quyết triệt để.
  • Vốn FDI rót vào Đồng Nai đạt 146% kế hoạch
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đến nay, tỉnh Đồng Nai có 1.977 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.447 dự án với tổng vốn 29,8 tỷ USD.
Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030