Châu Á - Thái Bình Dương: Lao động ngành du lịch lao đao vì Covid-19

(BKTO) - Tại châu Á - Thái Bình Dương, lao động ngành du lịch lao đao vì mất việc làm, chất lượng công việc giảm sút, sự chuyển dịch sang khu vực phi chính thức gia tăng.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:Internet

   

Đó là kết quả nghiên cứu được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 18/11.

Bằng chứng từ 5 quốc gia có sẵn dữ liệu (Brunei Darussalam, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) cho thấy mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch năm 2020 cao hơn gấp 4 lần so với các ngành khác.

Gần 1/3 tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch, trong đó, ước tính chỉ riêng 5 quốc gia kể trên đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Theo ILO, tính cả rất nhiều việc làm liên quan gián tiếp đến ngành này, mức tổn thất việc làm thực tế trong ngành du lịch tại khu vực có thể còn cao hơn nhiều.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa - Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương - cho biết: “Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch tại châu Á và Thái Bình Dương không khác gì một thảm họa. Ngay cả với những quốc gia trong khu vực đặc biệt chú trọng tới việc tiêm chủng và thiết kế những chiến lược dần mở cửa biên giới trở lại, việc làm và thời giờ làm việc trong những ngành liên quan đến du lịch năm tới có thể vẫn thấp hơn con số trước khủng hoảng”.

Ở những nơi mà số lượng việc làm liên quan đến du lịch giảm khá ít, chất lượng của những công việc hiện có vẫn giảm rõ rệt. Lao động nữ dường như bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do phụ nữ tham gia với số lượng ngày càng lớn hơn vào các công việc phục vụ ăn uống - những công việc được trả lương thấp nhất trong ngành du lịch.

Tổn thất thời giờ làm việc trong ngành du lịch cao hơn nhiều so với con số ước tính cho các ngành khác. Theo đó, số giờ làm việc bị giảm cao hơn 2-7 lần so với lao động trong các ngành không liên quan đến du lịch.

Năm 2020, tại Việt Nam, số giờ làm việc bị giảm trong ngành này dao động ở mức 4% (tại Việt Nam) đến 38% (tại Philippines). Thêm vào đó, do việc làm chính thức trong ngành du lịch sụt giảm, tình trạng lao động chuyển dần sang khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng.

Ngay cả khi mở cửa biên giới trở lại, dự báo, lượng khách du lịch quốc tế trước mắt vẫn sẽ thấp. Vì vậy, chính phủ các nước với thế mạnh về du lịch có thể phải tìm cách đa dạng hóa kinh tế hơn nữa nhằm mục tiêu tạo thêm cơ hội việc làm mới trong những ngành không liên quan đến du lịch.

“Khi doanh thu từ du lịch chững lại và việc làm liên quan đến du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, đại dịch khiến chúng ta phải “cân nhắc lại” những chiến lược du lịch trung hạn và dài hạn. Vì vậy, cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội điều chỉnh ngành du lịch hướng tới một tương lai có sức chống chịu tốt hơn và lấy con người làm trung tâm”, bà Sara Elder - Chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO, cũng là tác giả chính của nghiên cứu này - cho biết.

Cũng theo bà Sara Elder, công cuộc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian và những lao động, DN trong ngành du lịch bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ để bù đắp những khoản thu nhập bị mất và bảo toàn tài sản của họ. Các chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời nỗ lực triển khai tiêm vaccine cho mọi người dân và cả lao động di cư./.
         
   
Theo ILO, năm 2020, Philippines là nước ghi nhận mức tổn thất việc làm và sụt giảm thời giờ làm việc lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc làm trong ngành này giảm 28% và số giờ làm việc trung bình giảm 38%. Lao động trong ngành liên quan đến du lịch không làm việc giờ nào mỗi tuần tăng gấp 2.000 lần (tác động đến 775.000 lao động).
   
Ở Việt Nam, tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%; trong đó, tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%. Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.
   
Tại Thái Lan, mức lương trung bình trong ngành du lịch giảm 9,5%. Số giờ làm việc trung bình giảm 10%. Trong quý I/2021, việc làm thấp hơn mức trước khủng hoảng trong tất cả các ngành nghề liên quan đến du lịch, trừ dịch vụ ăn uống.
   Ngành du lịch ở Brunei Darussalam bị ảnh hưởng nặng nề, cả ở khía cạnh giảm việc làm và giảm số giờ làm việc, với mức giảm lần lượt là hơn 40% và gần 21%.   
Ở Mông Cổ, việc làm và thời giờ làm việc của ngành du lịch giảm lần lượt là gần 17% và hơn 13%. Đáng lưu ý, số lượng việc làm của lao động nam giảm khoảng 29%.
   
THÀNH ĐỨC​
Cùng chuyên mục
Châu Á - Thái Bình Dương: Lao động ngành du lịch lao đao vì Covid-19