Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu: Giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(BKTO) - Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Đề án) đang được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hoàn thiện. Cộng đồng DN kỳ vọng, việc ban hành và triển khai Đề án này trong tương lai sẽ giúp giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN.




Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ góp phần cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN. Ảnh minh họa

Đổi mới quy trình kiểm tra theo hướng đơn giản dần

Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại cho biết: Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt một số kết quả. Cụ thể, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN trước thông quan đã giảm từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống còn 19,1% vào năm 2019; hầu hết các lĩnh vực KTCN đã chuyển sang kiểm tra sau thông quan, chuyển trọng tâm sang hậu kiểm, từ đó tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN.

Tuy vậy, con số này chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ là giảm còn dưới 10% đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018-2019. Bên cạnh đó, mới có 12.600/82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý của các Bộ, ngành được cắt giảm KTCN. Đây là con số còn khá xa so với yêu cầu phải cắt giảm 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN vào năm 2018-2019. Một số Bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong việc cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu; thiếu sự kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa cơ quan KTCN và cơ quan hải quan, dẫn đến khó khăn cho quá trình thực hiện; chưa áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả...

Nhằm cải cách thực chất và toàn diện công tác KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án Cải cách KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), Bộ quản lý chuyên ngành làm nhiệm vụ hậu kiểm. Thực hiện yêu cầu này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu”.

Theo Ban Soạn thảo Đề án, dự kiến mô hình mới về hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được chia thành 2 nhóm gồm: hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng và miễn kiểm tra. Trong đó, hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng được chia vào 5 quy trình kiểm tra theo hướng đơn giản dần. Cụ thể: DN thực hiện việc kiểm tra chất lượng trước khi làm thủ tục nhập khẩu thì Bộ, ngành kiểm tra chất lượng và thông báo kết quả để làm cơ sở thông quan (nhánh 1). DN thực hiện việc kiểm tra chất lượng tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu thì cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng. Hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy nhưng chưa được Bộ, ngành kiểm tra chất lượng, cơ quan hải quan kiểm tra chứng nhận, ra thông báo và thông quan (nhánh 2).

Hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy, cơ quan hải quan gửi yêu cầu đến tổ chức giám định được chỉ định để thực hiện giám định, ra thông báo kết quả để thông quan (nhánh 3). Hàng hóa do cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt (không phân biệt nhà nhập khẩu) thuộc 1 trong 3 nhánh trên sẽ được kiểm tra thông thường - kiểm tra hồ sơ (nhánh 4).

Hàng hóa do cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, cùng tên gọi, mã số HS và giống nhau về mọi phương diện đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường theo từng nhà nhập khẩu được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm. Cơ quan hải quan chọn ngẫu nhiên tối đa 5% tổng số lô hàng nhập khẩu được áp dụng phương thức kiểm tra giảm của 1 năm liền kề trước đó để kiểm tra hồ sơ (nhánh 5).

Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu quả thực thi Đề án

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Mô hình mới sẽ áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như: truy suất nguồn gốc, quản lý rủi ro, phù hợp với thông lệ quốc tế; qua đó góp phần cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ông Trần Đức Nghĩa - đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - nhận định, trước đây, đối tượng KTCN không chỉ là hàng hóa mà còn là DN nhập khẩu, còn theo Dự thảo, đối tượng quản lý chỉ là hàng hóa. Đây là sự thay đổi lớn giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực xã hội.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, quy trình của Đề án về cơ bản sẽ giảm được thời gian cho DN và cơ quan có chức năng kiểm tra (tối thiểu giảm được 2 ngày cho 1 lô hàng), đặc biệt, khi cơ quan hải quan tích hợp được dữ liệu về kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa để áp dụng cho lô hàng sau, lượng hàng hóa phải kiểm tra sẽ giảm rất lớn.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến góp ý cho Đề án, đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế đã lần lượt kiến nghị: Đề án cần làm rõ trách nhiệm hàng hóa gắn với chủ hàng (nhà nhập khẩu) trong trường hợp hàng hóa đó không phù hợp tiêu chuẩn chất lượng để có căn cứ xử lý; quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa do DN tự chịu trách nhiệm, đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu: Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý trên, làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan hải quan, các Bộ, ngành cũng như trách nhiệm phối hợp giữa các bên để Đề án đảm bảo cơ sở pháp lý và có tính khả thi cao… Đồng thời, Tổng cục Hải quan hoàn thiện Dự thảo Đề án để báo cáo Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020.
MINH ANH
Cùng chuyên mục
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục hồi sau đại dịch Covid-19
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - “Bão” giá dầu, đại dịch Covid-19 tựa như cơn “sóng thần”, khiến các nhà máy lọc dầu (NMLD) khắp thế giới lao đao. Bằng nhiều nỗ lực, NMLD Dung Quất đã chinh phục được khó khăn, duy trì hoạt động liên tục, sẵn sàng cho giai đoạn hồi phục nửa cuối năm 2020.
  • Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức nhân Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7/2020 và triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã và đang tổ chức hàng loạt chương trình thiết thực, ý nghĩa.
  • Hướng tới chính sách thuế công bằng,  bền vững trong ASEAN
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đã đến lúc các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần hợp tác trong xây dựng hệ thống thuế công bằng và bền vững hơn để cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa, thu ngân sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đất nước đồng thời thiết lập một ASEAN bền vững và tự cường.
  • Minh bạch, hiệu quả trong ưu đãi đầu tư
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Bên cạnh những ý kiến phân tích, tranh luận về việc cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, quy định về chính sách ưu đãi đầu tư sao cho công bằng, minh bạch và hiệu quả được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra.
  • Năm 2020: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao khu vực châu Á
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8% song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố hôm nay, 03/4.
Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu: Giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp