Tìm đường mở rộng xuất khẩu cho nông sản Việt

(BKTO) - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019, xuất khẩu nông sản sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do phương thức sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp; trong khi những thị trường lớn, nhiều tiềm năng luôn đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Vì vậy, việc tìm đường xuất khẩu cho nông sản vẫn là nỗi trăn trở lớn đối với các chuyên gia, nhà quản lý.



Thách thức trong việc xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2019, một trong những khó khăn, thách thức của ngành nông nghiệp chính là việc tìm đầu ra cho nông sản. Nguyên nhân do nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 được dự báo có xu hướng giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. Mặt khác, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Nhiều nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới - Ảnh: Thái Anh

Nói về khó khăn trong xuất khẩu nông sản, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, khoảng 70 - 80% nông sản của Việt Nam xuất khẩu không được mang thương hiệu của các DN Việt Nam. Bởi, tỷ lệ xuất khẩu nông sản của Việt Nam dưới dạng thô hoặc sơ chế chiếm chủ yếu, vị thế của DN Việt trên thị trường chưa cao, chưa tập trung phát triển thương hiệu tập thể… Từ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia suy giảm, giá trị gia tăng xuất khẩu nông sản không cao, nông sản Việt chưa khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Từ góc độ DN, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco cho rằng, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản nhưng đa phần nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, trong chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng của nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bảo quản. Mặt khác, việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện theo chuỗi giá trị là câu chuyện không hề dễ vì tốn kém rất nhiều kinh phí, thu lời ít, rủi ro cao nên các DN chưa mặn mà. Việc kết nối giữa DN - người nông dân - Nhà nước - nhà khoa học - nhà đầu tư - nhà băng để phát triển chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả cao do thiếu cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro; nguồn lực và các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Tập xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…

Để nông sản Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng trên thị trường quốc tế, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco cho rằng, cần làm tốt công tác đánh giá, dự báo thị trường, tạo điều kiện về pháp lý trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các hiệp định được ký kết giữa Việt Nam với các nước; thường xuyên cập nhật, nắm chắc thông tin thị trường cung - cầu hàng hóa nông sản, làm cơ sở giúp nhà khoa học, nhà nông, DN linh hoạt điều chỉnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản xuất khẩu, trước mắt là các nông sản chủ lực; không ngừng đổi mới sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ an toàn, dựa trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất sạch, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bắt kịp với toàn cầu hóa trong thời đại công nghệ 4.0.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đề xuất, cần tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên và căn cứ trên năng lực sản xuất, xuất khẩu thực tế. Tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản có trọng tâm, trọng điểm, quy mô và đảm bảo nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Các DN xuất khẩu cần chủ động thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời, lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN; tiếp tục đàm phán các hiệp định để mở rộng thị trường xuất khẩu.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
Tìm đường mở rộng xuất khẩu cho nông sản Việt