Hướng tới chính sách thuế công bằng, bền vững trong ASEAN

(BKTO) - Đã đến lúc các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần hợp tác trong xây dựng hệ thống thuế công bằng và bền vững hơn để cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa, thu ngân sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đất nước đồng thời thiết lập một ASEAN bền vững và tự cường.




ASEAN đang hướng tới một chính sách thuế bền vững. Ảnh: TTXVN

Đó là thông điệp được đưa ra trong Báo cáo: “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN - trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và một số tổ chức vừa phối hợp công bố.

Mức thuế thu nhậpdoanh nghiệp thực nộp sauưu đãi thuế ở ASEAN thấp nhấtthế giới

Ông Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR - cho biết, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều thập kỷ nhưng hầu hết thu ngân sách tương đối thấp. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thấp hơn đáng kể so với các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Tỷ lệ trung bình ở ASEAN là 19,1% GDP năm 2018, chưa bằng một nửa so với mức trung bình ở các nước OECD, thấp hơn khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Điều này dẫn đến khả năng đáp ứng hạn chế của ngân sách cho các dịch vụ công thiết yếu như: y tế, giáo dục, an sinh xã hội (các nước OECD chi trung bình cho các dịch vụ này tới 63% tổng chi, còn tỷ lệ này ở ASEAN chỉ là 33,6%) và tiếp tục gây thâm hụt ngân sách. Mức thâm hụt ngân sách tạo ra nhiều hệ lụy lớn cho khả năng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và quản trị tốt.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách là do các nước ASEAN phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhưng lại dần mất các khoản thu ngân sách khổng lồ do ưu đãi thuế lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức quốc tế đã nhiều lần cảnh báo các nước thành viên ASEAN ngừng áp dụng các ưu đãi thuế không cần thiết bởi điều này làm giảm thu ngân sách.

Đáng chú ý, Nhóm nghiên cứu còn cho biết, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế TNDN và liên tục đưa ra ưu đãi thuế rất lớn đối với nhà đầu tư. 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế TNDN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% (năm 2010) xuống còn 21,7% (năm 2020). Với việc một số nước thành viên áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận, mức thuế suất trung bình thuế TNDN thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm. Điều này khiến ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế TNDN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.

Cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi dịch chuyển lợi nhuận. Ước tính các quốc gia như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia mất ít nhất từ 6 - 9 điểm phần trăm doanh thu thuế TNDN do hành vi chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Cuộc đua xuống đáy khiến các nước thành viên tham gia đều thua cuộc, bởi lẽ, không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế TNDN ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn mà chỉ để khỏa lấp những yếu kém trong năng lực quản trị, cơ sở hạ tầng và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư bằng cách cắt giảm thuế TNDN xuống mức tối thiểu.

Chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 nhóm khuyến nghị để giải quyết thực trạng trên. Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đại diện Nhóm - khuyến nghị: Trước hết, ASEAN cần lập danh sách đen và danh sách trắng các ưu đãi thuế nhằm làm rõ loại ưu đãi nào có lợi và loại nào không có lợi, từ đó có kế hoạch và thời hạn cụ thể loại bỏ những ưu đãi có hại. Danh sách đen nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận như ưu đãi thuế tạo ra mức thuế suất thấp cho lợi nhuận chịu thuế (ân hạn thuế, miễn thuế, chuyển lỗ và thuế suất ưu đãi). Danh sách trắng nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên đầu tư, thúc đẩy những đầu tư hữu ích cho cộng đồng để áp dụng trong khu vực, cần có cơ chế giám sát tính hiệu quả của các ưu đãi này để tránh hành vi lạm dụng các khoản khấu trừ thuế. Cơ chế này cần minh bạch và có sự tham gia thực chất của đại diện các chính phủ, chuyên gia quốc tế, tổ chức xã hội và giới học thuật.

Thứ hai, ASEAN cần thiết lập mức thuế suất tối thiểu trong khu vực nhằm chấm dứt cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Trong khi các nước trên thế giới đang xây dựng quy định về mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, ASEAN nên thống nhất một cách tiếp cận chung trong khu vực như thống nhất mức thuế TNDN thực nộp của từng nước không được thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN thực nộp tối thiểu của khu vực. Mức thuế suất thực nộp tối thiểu này cần được ASEAN thảo luận một cách kỹ lưỡng và nên từ 12,5% đến 20%.

Thứ ba, ASEAN cần xây dựng quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế. Đặc biệt, cần đảm bảo rằng không có ưu đãi thuế nào được áp dụng riêng lẻ cho DN nào đó một cách tùy tiện. Trong mọi trường hợp, luật phải quy định rõ thời gian áp dụng ưu đãi thuế.

Ông Tony Salvador - Nghiên cứu viên về pháp lý tại Third World Network, một thành viên Hội đồng điều phối của Liên minh Thuế và Công bằng tài chính châu Á (TAFJA) - cho rằng: Các quốc gia thành viên ASEAN nên công bố báo cáo chi qua thuế hằng năm cùng báo cáo ngân sách quốc gia, đồng thời đánh giá lợi ích và chi phí của các chính sách ưu đãi thuế như một điều kiện tiên quyết trước khi phê duyệt các ưu đãi đó. Khi được chấp thuận áp dụng, cơ quan nhà nước (tốt nhất là cơ quan thuế) phải thường xuyên giám sát tác động của các ưu đãi thuế này bằng việc đánh giá giữa kỳ để xem kết quả thực hiện có đáp ứng được kỳ vọng của chính sách hay không.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Minh bạch, hiệu quả trong ưu đãi đầu tư
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Bên cạnh những ý kiến phân tích, tranh luận về việc cấm hay không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, quy định về chính sách ưu đãi đầu tư sao cho công bằng, minh bạch và hiệu quả được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra.
  • Năm 2020: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao khu vực châu Á
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8% song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố hôm nay, 03/4.
  • Thu ngân sách năm 2019 -  bức tranh nhiều điểm sáng
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thu ngân sách tăng cao so với dự toán, trong đó, thu ngân sách T.Ư và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán; hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa… Đây là những điểm sáng trong bức tranh NSNN năm 2019.
  • Xuất khẩu dệt may tăng trưởng trong khó khăn
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước và kéo dài hơn dự kiến. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã làm tổng cầu dệt may chỉ tăng 3,3% so với mức tăng 7,4% năm 2018, cụ thể là tổng cầu tiêu thụ dệt may trên thế giới chỉ bằng 45% tốc độ tăng trưởng năm 2018. Trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2,4%, trong khi Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7,3% với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 39 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với kế hoạch.
  • Dân số Việt Nam tăng 10,4 triệu người trong 10 năm
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) –Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.
Hướng tới chính sách thuế công bằng, bền vững trong ASEAN