Gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI trong thực hiện chính sách bảo hiểm.

(BKTO) - Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách, với nhiều giải pháp đồng bộ để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do BHXH Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện các DN FDI vẫn phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi các chính sách này.




Ngành BHXH đã có nhiều cải cách theo hướng ngày càng tạo thuận lợi hơn cho DN. Ảnh: TS
Cần nỗ lực hơn trong cải cách TTHC

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay cộng đồng DN FDI đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam với những đóng góp to lớn. Nhìn chung, các DN FDI chấp hành tốt các quy định pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục, hồ sơ hưởng BHXH.

Nhằm tạo thuận lợi cho các DN FDI trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã đưa ra các giải pháp cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như: Tiếp tục rà soát, đơn giải hóa TTHC; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ, thẻ, giải quyết chi trả chế độ; vận động, hỗ trợ DN lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan BHXH…

Việc cải cách TTHC của ngành BHXH đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các DN. Báo cáo khảo sát ý kiến DN FDI về những khó khăn,vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, do VCCI thực hiện trong tháng 10 và 11/2016 cho thấy, tỷ lệ DN FDI không gặp vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục của ngành BHXH khá cao, với 70,8%.

Tuy nhiên, kết quả phản ánh của các DN FDI cũng cho thấy ngành BHXH cần nỗ lực hơn nữa với kế hoạch cải cách TTHC. Theo số liệu VCCI thu thập được, vẫn còn tới 31,8% DN không đồng ý rằng BHXH “nhiệt tình giải quyết khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn đầy đủ dễ hiểu”; 32,4% không đồng ý ngành BHXH “giải quyết TTHC đúng quy định, nhanh chóng, linh hoạt”… Các DN đề nghị cơ quan BHXH cần tăng cường đào tạo, tập huấn về TTHC; đẩy nhanh thời gian xử lý và trả kết quả…
Khắc phục bất cập về chính sách

Tại Hội nghị đối thoại, đại diện nhiều DN FDI đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Bà Nguyễn Thị Minh Hương - đại diện Công ty TNHH CEDO Việt Nam, nhận xét trong những năm qua, ngành BHXH đã có nhiều cải cách, ngày càng tạo thuận lợi hơn cho DN. Việc triển khai giao dịch, khai báo điện tử giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian; công việc giấy tờ, bổ sung thông tin, giải quyết chế độ cho người lao động được kịp thời. Tuy nhiên, một số quy định vẫn gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như: việc chi trả ốm đau thai sản chậm trễ hơn so với năm 2015 vì DN không giữ 2% quỹ lương BHXH; sự không thống nhất cách ghi mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH gây khó khăn cho người lao động…

Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền phản ánh, Luật BHXH 2014 quy định người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng đối với lao động nước ngoài đến từ các nước mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chung về BHXH.

Cũng theo bà Huyền và đại diện một số DN khác, quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng theo Luật BHXH 2014 khiến những DN thường xuyên có biến động lao động sẽ gặp khó khăn trong quản lý sổ BHXH, làm gia tăng chi phí và nhân lực để xử lý của DN. Bởi thông thường phải mất khoảng một tháng người lao động mới được cấp sổ BHXH; họ có thể nghỉ việc trước khi được nhận sổ BHXH. Khi đó, người sử dụng lao động có thể phải chịu rủi ro rất lớn do không thể báo tăng, giảm kịp thời số lượng lao động cho cơ quan BHXH… Do vậy, bà Huyền kiến nghị bỏ đối tượng này và cho phép người sử dụng lao động chi trả thêm cùng một lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, toàn bộ ý kiến phản ánh từ cộng đồng DN FDI sẽ được cơ quan BHXH rà soát, trả lời và công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Ngành trước ngày 25/12. Những nội dung không thuộc thẩm quyền của ngành sẽ được tổng hợp, kiến nghị đến các Bộ, ngành liên quan để trả lời, tháo gỡ cho DN./.

Box:Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2016 có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tăng 5,2% so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến đến 31/12/2016, tổng số thu là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (tương đương 20,4%) so với năm 2015.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau hơn 7 năm ban hành và đi vàothực hiện Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp (KCN),Khu chế xuất (KCX), Khu kinh tế (KKT);3 năm thực hiện các Nghị định sửa đổi, bổ sung: Nghị định 164/2013/NĐ-CPngày 11/12/2013, Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015, hiệu quả quản lýnhà nước trong lĩnh vực KCN, KCX, KKT đã được nâng cao. Tuy nhiên, thựctế cũng đang bộc lộ rõ những bất cập đòi hỏi phải cấp thiết sửa đổi chính sáchcho phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KCN,KKT.
  • Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN:  Cần cú hích để đột phá.
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Kế hoạchtổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW)giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đề ra đến năm 2020 đảm bảo 100% thủ tục hànhchính (280 thủ tục) thực hiện qua NSW. Để cán đích mục tiêu này, các Bộ, ngành cầnưu tiên giải quyết những rào cản, vướng mắc, tạo cú hích để đột phá trong cảicách thủ tục hành chính.
  • Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai:  Cần phát huy vai trò giám sát của cộng đồng
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Việc quản lý,sử dụng đất đai ở nước ta luôn bị đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiềunguy cơ và biểu hiện tham nhũng. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lựcphòng, chống mang tính tổng thể, liên ngành, song cảm nhận của xã hội về thamnhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến.
  • Tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam(VBF) thường niên 2016 vừa được tổ chức ngày 5/12 với chủ đề “Nâng cao vai tròkhu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nướcngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vàlãnh đạo các bộ, ngành, cùng khoảng 600 đại biểu là đại diện các đối tác pháttriển, hiệp hội DN và các nhóm công tác thuộc VBF đã tham dự.
  • Động lực và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Báo cáo Điểm lạicập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày05/12 cho thấy, bên cạnh những yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng, kinh tế ViệtNam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI trong thực hiện chính sách bảo hiểm.