Gần 54.000 tỷ đồng đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng

(BKTO) - Sáng 15/01, Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư HANWHA - KOSPO - KOGAS (Hàn Quốc) đã khởi công Hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).



                
   

Phối cảnh Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng. Ảnh: BCT

   

Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất 1.500 MW, tiến độ vận hành năm 2026-2027. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW. Dự án áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao đang được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng sau khi vận hành (dự kiến vào năm 2026-2027) sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.

Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, Dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Việc triển khai các dự án điện khí LNG đã mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW.

Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Gần 54.000 tỷ đồng đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng