Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ

(BKTO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.




Ảnh minh họa

Xu thế phát triển AI trên thế giới

Theo nghiên cứu mới nhất của Hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá - cao hơn 70% so với năm 2017, đạt giá trị gần 1.200 tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ những tiến bộ về công suất tính toán, sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.

Còn theo dự đoán của PwC, đến năm 2030, AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% - tương đương khoảng 15.700 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc hưởng lợi 7.000 tỷ USD, tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ 3.700 tỷ USD, châu Âu 2.500 tỷ USD... AI sẽ có tác động lớn nhất trong các lĩnh vực: y tế, xe hơi, dịch vụ tài chính, bán lẻ và tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và giải trí, sản xuất chế tạo, năng lượng, giao thông và logistics.

Hiện nay, khoảng 75% tổng đầu tư cho AI của các DN toàn cầu là từ các hãng công nghệ lớn như: Google, Facebook, Amazon, Alibaba, Baidu. Hầu hết các hãng này đều đặt chiến lược “AI-first” (tức AI trên hết). Thậm chí mới đây, Google đã đổi tên bộ phận nghiên cứu thành Google AI. Theo Hãng tư vấn IDC, việc ứng dụng AI trong các ngành nghề trên toàn cầu sẽ mang lại tổng doanh thu hơn 47 tỷ USD vào năm 2020.

Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ này làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Theo chia sẻ của TS. Kyoo Sung Noh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, từ năm 2000, nước này đã xây dựng thành phố thông minh (Smartcity) với tổng vốn đầu tư 200 tỷ USD. AI đã thay đổi cơ cấu xã hội, việc làm, ngành nghề và cả con người. Chính phủ Hàn Quốc xây dựng chính sách phát triển AI, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ sức phục vụ công nghiệp trong nước. Hàn Quốc nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng cho nguồn dữ liệu lớn. AI cũng tác động đến việc thay đổi các công việc tuyển dụng và phân loại chất lượng nhân lực ở nước này.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Phần Lan, tỷ phú Peter Vesterbacka - đồng sáng lập Công ty giáo dục Fun Academy và Hãng phát triển Game Rovio, cũng là cha đẻ của trò chơi nổi tiếng Angry Birds - cho biết, đất nước dù lớn hay nhỏ, con người đều là tài nguyên cần được phát triển. Con người ngày càng thích thú với những khái niệm mới, chúng ta cần chuẩn bị để theo kịp sự phát triển, xác định con người là trung tâm, là nguồn lực trong quá trình phát triển AI. Con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai.

AI sẽ là mũi nhọn cho công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, ngành AI của Việt Nam cũng được quan tâm đầu tư, phát triển. Từ năm 2014, Chính phủ đã đưa AI vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ AI được xác định là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng này.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển ngành AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Tháng 10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025” nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh. Năm 2018 cũng đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI.

Vừa qua, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 được tổ chức với chủ đề “Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo” là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay về AI. Chương trình tạo nền tảng kết nối cho các thành tố trong hệ sinh thái công nghệ AI bao gồm: các chuyên gia, lãnh đạo DN, startup công nghệ, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng AI, cơ sở đào tạo...

Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Lê Hồng Việt cho hay, AI là yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển đổi số mà nhiều DN tại Việt Nam đang hướng tới. Đây không chỉ là yếu tố thu hút khách hàng, thay đổi mô hình kinh doanh mà còn giúp DN không tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ 4.0. Theo ông Việt, hiện nay, số lượng nhân lực hoạt động AI tại Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu chia đều cho các đơn vị: FPT, Vingroup, Viettel, CMC... Nguồn cung cấp chuyên gia AI cũng chủ yếu tu nghiệp tại nước ngoài. Những đơn vị lớn đã tung ra chính sách chiêu mộ tài năng AI nhưng số lượng vẫn không đáp ứng tốc độ phát triển nói chung. Bên cạnh đó, hệ sinh thái AI nước ta còn nhiều điểm nghẽn trong xây dựng hạ tầng tính toán, nền tảng blockchain, dữ liệu nghiên cứu, trong khi mỗi lĩnh vực kinh tế lại có những yêu cầu phát triển ứng dụng AI riêng biệt.

Với vai trò cơ quan chuyên trách, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ vẫn tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, DN nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI. Thời gian tới, Bộ sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác cũng như thành lập quỹ Global Fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa tri thức của người Việt ra thế giới.

Đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. Công nghệ thông tin, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn để vượt lên, nhưng nếu không tận dụng, có thể cơ hội sẽ qua đi.

HỒNG NHUNG
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Bây giờ hoặc không bao giờ