Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội đột phá cho ASEAN

(BKTO) - Sáng 12/9, Phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã long trọng diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và gần 100 nhà lãnh đạo quốc tế đã tham dự cùng 1.000 đại biểu đến từ 43 quốc gia, đại diện cho các DN, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học, nghệ thuật...



Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Hội nghị khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sau lần tổ chức năm 2010 tại TP. HCM. Chủ đề của Diễn đàn lần này có tên “ASEAN thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Định hình vị thế của ASEANtrên thế giới

Trong bài phát biểu mở đầu Phiên Khai mạc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đã nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Theo đó, ông cho rằng, CMCN 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, tạo sự cạnh tranh trên toàn cầu. Diễn đàn này sẽ thảo luận để định hình tương lai của ngành công nghiệp thế giới. 20 năm tới, chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ cuộc Cách mạng này. ASEAN với tầm nhìn phù hợp, chính sách kinh tế tối ưu, lực lượng lao động trẻ... sẽ phải đi đầu trong cuộc chạy đua này.

Tại đây, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã thay mặt cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đọc Thư chào mừng, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của CMCN 4.0 là những lời hứa rất tốt nhưng cũng làm sâu sắc thêm các vấn đề hiện nay là lợi ích của toàn cầu hóa không được phân bổ một cách công bằng, nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo… Do đó, mỗi chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện lời hứa “Đảm bảo không để ai ở lại phía sau”. Thư của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng đánh giá: Việt Nam là một “ngôi sao đang lên”, thị trường mới nổi của thế giới với thành tựu kinh tế tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán tăng gấp đôi trong 2 năm, tỷ lệ giảm nghèo được cải thiện đáng kể...

Phiên thảo luận với chủ đề “Xung đột thương mại - Vượt qua căng thẳng địa kinh tế” - Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, xoay quanh chủ đề của Diễn đàn, lãnh đạo các nước đã có những bài phát biểu sâu sắc về CMCN 4.0. Trong bài phát biểu “Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ CMCN 4.0”, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, CMCN 4.0. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đang tích cực hành động, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực.

ASEAN đang đứng trước những thời cơ to lớn để phát triển và thúc đẩy liên kết kinh tế nhờ toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sức lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0, đặc biệt là công nghệ số, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… Vì vậy, chủ đề Diễn đàn lần này không những phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, mà còn gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN 2018 là hướng tới Cộng đồng ASEAN “tự cường và sáng tạo”, đáp ứng sự quan tâm, mong muốn và lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Tập trung phát huy những lợi thếcủa ASEAN

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Việt Nam cùng các nước ASEAN, các nước trong khu vực và các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, các DN Việt Nam tập trung thảo luận xoay quanh 3 vấn đề.

Thứ nhất, tìm kiếm và tạo động lực mới gắn với CMCN 4.0, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn thông qua đẩy mạnh cải cách, khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo của DN và người dân, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các điều kiện cần thiết thích ứng với môi trường công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thứ hai, đẩy mạnh liên kết, kết nối nội khối ASEAN và giữa ASEAN với khu vực, thế giới thông qua tăng cường kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính (fintech), kết nối chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng có chất lượng, đồng bộ, nông nghiệp công nghệ cao và những nội dung khác nhằm duy trì sự tăng trưởng năng động của các nền kinh tế ASEAN.

Thứ ba, củng cố, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, nâng cao năng lực tự cường, thích ứng trước những biến động nhanh chóng của thế giới và khu vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân, DN.

Tiếp đó, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước trong khu vực cũng đã có những chia sẻ thiết thực về CMCN 4.0 và cơ hội đối với ASEAN. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng, CMCN 4.0 là cơ hội tốt để các quốc gia, DN kết nối lại với nhau, tạo cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh, đầu tư, tiêu thụ hàng hóa. ASEAN với quy mô kinh tế 2,7 nghìn tỷ USD đã trở thành khu vực kinh tế lớn của thế giới. Với lực lượng dân số trẻ, ASEAN có lợi thế để phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ số.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã nhấn mạnh về vai trò của mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế Trung Quốc - ASEAN trong 5 năm qua và cơ hội mở rộng trong những năm tới nhờ sự phát triển của CMCN 4.0. Ông khẳng định, ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy mối quan hệ này chuyển sang tầm cao mới, đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Do đó, 2 bên cần phối hợp xây dựng tầm nhìn đối tác chiến lược đến 2030, cùng khai phá mở rộng thương mại, phát triển đầu tư, tăng cường đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tích hợp phát triển kinh tế trong cùng khu vực...

Lãnh đạo các nước Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia… cũng nhìn nhận và đánh giá cao vai trò của công nghệ số trong thế giới hiện đại, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm phát triển công nghệ số để đưa đất nước theo kịp các quốc gia khác trong hành trình CMCN 4.0. Các đại biểu cũng đánh giá cao yếu tố con người là tài sản quan trọng nhất trong công cuộc Cách mạng này và khẳng định vai trò của thế hệ trẻ sẽ là động lực của đổi mới sáng tạo.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018
Cùng chuyên mục
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội đột phá cho ASEAN