Tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thuế

(BKTO) - Thực tiễn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phản ánh của cộng đồng DN cho thấy, hoạt động của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thuế vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực thi nhiệm vụ sẽ góp phần khắc phục tình trạng này, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán và tạo môi trường thuận lợi để DN yên tâm phát triển.




KTNN cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế của cục thuế, chi cục thuế Ảnh: Như Ý

Tình trạng chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xảy ra giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra, kiểm tra của ngành thuế… Trước thực trạng đó, ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Thực hiện yêu cầu này, ngày 03/7/2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1034/CT-KTNN về việc “Chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lặp” nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN chuyên ngành và khu vực; giữa KTNN và cơ quan thanh tra.

Để có thể thực hiện tốt các Chỉ thị trên, qua đó góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thuế đối với DN, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, KTNN cần duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc chấp hành nghiêm các quy trình, chuẩn mực, quy định, hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (“Điều 64a. về nội dung phối hợp giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán); tăng cường khâu khảo sát, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán DN. Khi lập kế hoạch, các đơn vị kiểm toán sớm lựa chọn và công khai DN được lựa chọn để tránh trùng lặp trong nội bộ, đồng thời khi có quyết định, phê duyệt tờ trình thì thông báo cho đơn vị được kiểm toán, đơn vị được kiểm tra đối chiếu và các cơ quan, tổ chức có liên quan sớm nhằm kịp thời thực hiện, điều chỉnh và phản hồi để tránh trùng lặp, chồng chéo. Trong quá trình kiểm toán, KTNN cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế của cục thuế, chi cục thuế.

Nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ là “các cơ quan Thanh tra Chính phủ; thanh tra thuộc các Bộ, ngành; thanh tra, kiểm tra thuộc các sở, ngành, cục thuế... căn cứ kế hoạch kiểm toán, văn bản thông báo kiểm tra, đối chiếu của KTNN để rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương, DN và đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật”. Đối với những vụ việc phát sinh, cơ quan nào có quyết định kiểm toán, thanh tra, kiểm tra trước thì cơ quan đó phụ trách, cơ quan còn lại tham khảo để lựa chọn, tránh trùng lặp.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp luật về xử lý chồng chéo trong hoạt kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, trước hết, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện bộ máy làm công tác này. Ban hành văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của KTNN và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra trên cơ sở đánh giá, tổng kết về việc chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán; tham khảo Điều 64a, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra cho phù hợp với tình hình thực tiễn để làm cơ sở hướng dẫn hoạt động thanh tra các cấp. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với DNNN.

Ba là, xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về người nộp thuế nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thuế nói chung, tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra, đối chiếu người nộp thuế nói riêng. KTNN phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan thuế xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu cho công tác kiểm tra, đối chiếu thuế trên toàn quốc để việc thu thập, xử lý và khai thác, sử dụng thống nhất giữa KTNN và ngành tài chính. Chính phủ cần xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về các cơ quan có chức năng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, DN và người nộp thuế, giúp cho các cơ quan biết kế hoạch, tình trạng, diễn biến quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thuế, từ quá trình xây dựng kế hoạch, xử lý chồng chéo giữa kế hoạch thanh tra với kế hoạch kiểm toán của KTNN đến khâu xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm giữa các cấp cũng như phối hợp xử lý chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra ở địa phương.

Năm là, tôn trọng và sử dụng kết quả làm việc của các bên. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà các bên cần áp dụng nhiều hơn nữa để rút ngắn thời gian của cuộc thanh tra, kiểm toán mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng, giúp giảm áp lực cho cả đơn vị lẫn đoàn thanh tra, kiểm toán.

Sáu là, tích cực bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Bảy là, nâng cao nhận thức đối với các DN thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để khi nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng thì DN xác định được các quyết định đó có đúng hay không, từ đó có quyền từ chối hoặc phản ánh, khiếu nại với các cơ quan chức năng cho phù hợp. Khi thấy trong năm có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đến làm việc, DN cần ứng xử phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích DN xây dựng văn hóa tổ chức, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo quy định.

ThS. NGUYỄN CHÍ TUYÊN, ThS. NGUYỄN QUỐC TUẤN - KTNN,
ThS. MAI THỊ HÀ
Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh
Cùng chuyên mục
Tránh trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thuế