Quản lý đất đai khu đô thị: Còn nhiều bất cập

(BKTO) - Năm 2017, KTNN khu vực XIII thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất khu đô thị và các dự án được giao, thuê đất giai đoạn 2014-2016 tại 2 tỉnh trên địa bàn (tỉnh A và B). Qua đó, KTNN khu vực XIII đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai khu đô thị, đặc biệt là việc xác định giá đất, từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt nội dung kiểm toán này trong thời gian tới.




KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai khu đô thị, đặc biệt là việc xác định giá đất. Ảnh tư liệu​

Một số bất cập trong công tác quản lý đất đai khuđô thị

Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh A phê duyệt đồ án quy hoạch một số dự án có khoảng lùi so với lộ giới quy hoạch không đảm bảo quy định tối thiểu; có trường hợp phê duyệt chiều cao xây dựng vượt so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (phê duyệt 26 tầng, cao hơn 14 tầng so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000); cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng một số dự án sang đất ở không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Tại tỉnh B, một số dự án chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; không lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đối với Hồ sơ quy hoạch từ tỷ lệ 1/5000 đến tỷ lệ 1/500.

Việc xác định nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực chưa được tính toán khoa học, chưa sát với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tình hình vừa thừa, vừa thiếu quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành. Việc thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số dự án lớn đã phê duyệt nhiều năm nhưng triển khai chậm, thậm chí bỏ hoang, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Các thủ tục đất đai còn chậm trễ. Cụ thể, tại tỉnh A đến năm 2017, có 29 đơn vị đã được địa phương bàn giao sử dụng đất (325.508,21m2 đất và trên 983 triệu m2 mặt nước) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao/cho thuê đất, mặt nước. Giai đoạn 2014-2016, còn 9 trường hợp chưa ký Hợp đồng thuê đất và 18 trường hợp chưa ký Phụ lục hợp đồng thuê đất.

Phần lớn các dự án chọn kiểm toán chi tiết đều triển khai chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh lại quy hoạch kiến trúc và năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Cũng tại tỉnh A, Sở Tài nguyên và Môi trường không kiểm tra, xử lý đối với một số dự án không lập Báo cáo thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ hoặc Báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt; chưa kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Từ năm 2014 đến thời điểm kiểm toán, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A không xây dựng Kế hoạch định giá đất cụ thể hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc ban hành đơn giá đất cụ thể, điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định để xác định nghĩa vụ tài chính còn chậm đã dẫn đến tình trạng chậm huy động nguồn vốn vào NSNN. Toàn tỉnh có 46 dự án đã được bàn giao đất thực địa, có quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất từ trước ngày 01/7/2014 nhưng chưa có đơn giá thuê đất (tiền thuê đất tạm tính là 125,3 tỷ đồng) và 23 hợp đồng thuê đất (trên 9 triệu m2) chưa được xác định giá đất cụ thể.

Công tác xác định giá đất cụ thể còn một số sai sót như: xác định giá đất của dự án theo từng đợt giao đất thực địa, theo từng phiếu chuyển thông tin địa chính, không phù hợp với Quyết định cho thuê đất và Hợp đồng thuê đất, giá trị khu đất của từng đợt giao đất tính theo giá đất trong Bảng giá đất nhỏ hơn 20 tỷ đồng, từ đó xác định đơn giá đất theo phương pháp hệ số giá không phù hợp quy định. Ngoài ra, khi tính giá đất theo phương pháp thặng dư, đơn vị tư vấn vẫn xác định chi phí xây dựng hạ tầng diện tích tái định cư, nhà ở xã hội vào chi phí phát triển trong khi không tính các khoản thu từ diện tích này vào doanh thu phát triển; tính cả chi phí khu tái định cư mà Nhà nước sẽ trả lại tiền đầu tư hạ tầng vào chi phí phát triển…

Tại tỉnh B, việc xác định giá đất theo vị trí cắt lớp (vị trí 1, 2…) đối với những thửa đất có từ 2 mặt tiền trở lên còn chưa phù hợp. Đơn vị chỉ xác định vị trí 1, 2… theo hướng của đường có giá cao hơn để tính cắt lớp mà không tính đến yếu tố giá đất tính theo mặt đường còn lại. Một phần diện tích thửa đất được xác định là vị trí 2, 3, 4 tính theo cắt lớp của đường giá cao hơn cũng chính là vị trí 1 của đường còn lại. Điều này dẫn đến, giá đất theo vị trí 2, 3, 4 có thể thấp hơn rất nhiều so với giá đất vị trí 1 của đường còn lại.

Bài học về khảo sát, lập kế hoạch, phân bổ thời gian và phối hợp công tác

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN khu vực XIII đúc rút một số kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn nội dung kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, trước khi triển khai thực hiện, các đoàn kiểm toán phải tập huấn kỹ đề cương kiểm toán, các văn bản điều chỉnh đến mục tiêu, nội dung kiểm toán quản lý đất đai gắn với khu đô thị, xác định rõ trọng yếu liên quan đến nội dung kiểm toán cụ thể đối với từng địa phương.

Khi khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán cũng như thực hiện kiểm toán, phải bố trí kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đô thị. Đồng thời, xác định mục tiêu, trọng yếu, nội dung kiểm toán cụ thể đối với từng cơ quan tổng hợp và từng dự án chọn mẫu kiểm toán để đánh giá vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện ở từng cơ quan tổng hợp cũng như việc triển khai thực hiện, chấp hành các quy định về đất đai, quản lý đô thị đối với dự án cụ thể.

Kiểm toán tại cơ quan tổng hợp (tài nguyên, xây dựng, tài chính và thuế), cần phân bổ thời gian thích hợp nhằm đánh giá, phân tích, lựa chọn mẫu kiểm toán phù hợp; đồng thời đánh giá việc tham mưu cho UBND tỉnh việc quản lý đất đai, đô thị, xác định giá đất tính tiền sử dụng đất và tổ chức thu tiền sử dụng đất, làm cơ sở thuận lợi để kiểm toán các dự án cụ thể.

Đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và kiểm toán viên cần phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ khi tổ chức kiểm toán. Các tổ kiểm toán phối hợp trong trao đổi, đối chiếu các dữ liệu cũng như những phát hiện kiểm toán.

Phối hợp chặt chẽ, liên lạc thường xuyên với lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan để đốc thúc các sở, ngành, chủ dự án cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan, xác nhận kịp thời các số liệu và tình hình kiểm toán, Biên bản kiểm toán.

TS. MAI VĂN TÂN
KTNN khu vực XIII
Cùng chuyên mục
Quản lý đất đai khu đô thị: Còn nhiều bất cập