Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk: Kiểm toán Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách của địa phương

(BKTO) - ​Có thể nói, trong hơn 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã ngày càng khẳng định được vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Riêng đối với Đắk Lắk, hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và KTNN khu vực XII nói riêng có ý nghĩa quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành NSNN của địa phương.



         
   
   Ông Nguyễn Tuấn Hà
Cụ thể, qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã đánh giá, nêu bật những mặt tích cực trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của các cấp ngân sách cũng như đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, KTNN cũng chỉ ra những hạn chế, sai sót cần khắc phục, trên cơ sở đó đã kết luận, kiến nghị xác đáng, phù hợp, kịp thời, góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh lập báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và cũng là kênh thông tin quan trọng để HĐND tỉnh sử dụng trong quá trình thẩm tra, giám sát, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. Bên cạnh đó, KTNN đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; phối hợp tốt với địa phương trong việc tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, KTNN khu vực XII và UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp nhịp nhàng từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, quá trình kiểm toán đến khâu thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cung cấp các báo cáo kết quả giám sát, báo cáo thẩm tra, các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kiểm toán khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm toán trên địa bàn tỉnh.

Khi triển khai quyết định kiểm toán tại địa phương, KTNN khu vực XII đã kịp thời thông báo kế hoạch kiểm toán đến UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động kiểm toán. Nhờ đó, UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã nắm được kế hoạch và thông tin về tình hình kiểm toán. UBND tỉnh đã giao cơ quan tài chính làm đầu mối phối hợp với Đoàn kiểm toán, kịp thời xử lý những phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm toán. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán, đơn vị được lựa chọn để kiểm tra, đối chiếu đã phối hợp tích cực với các đoàn kiểm toán.

UBND tỉnh cũng đã thực hiện đầy đủ việc gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho KTNN khu vực XII; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm toán phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm toán; chỉ đạo Sở Tài chính thường xuyên phối hợp với cơ quan kiểm toán, nắm bắt tình hình về tiến độ kiểm toán và những vướng mắc phát sinh để phối hợp xử lý kịp thời.

Đối với công tác phối hợp thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, thống kê kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán và có công văn đề nghị KTNN khu vực XII điều chỉnh các kết luận, kiến nghị kiểm toán không thực hiện được để xử lý theo quy định.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp công tác giữa hai bên, thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị KTNN tiếp tục tạo điều kiện cho địa phương trong việc điều hành, quản lý ngân sách và tài sản của Nhà nước. Hai bên cần có cơ chế định kỳ trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, giám sát ngân sách và tài sản nhà nước tại địa phương.

Bên cạnh đó, để địa phương có thời gian thực hiện các kiến nghị kiểm toán năm trước và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, KTNN nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm toán ngân sách tỉnh có sự dãn cách hợp lý về thời gian. ​Đồng thời, trước khi kết luận kiểm toán, KTNN cần có sự tham khảo, thống nhất ý kiến với đơn vị được kiểm toán về nội dung, số liệu để tạo sự đồng thuận.

Khi tiến hành kiểm toán, trường hợp phát hiện các văn bản pháp luật có sự chồng chéo, không rõ ràng hoặc mâu thuẫn, KTNN cần kịp thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn nhằm giúp các địa phương thực hiện một cách thống nhất. Trường hợp cần phải giải thích luật hoặc sửa đổi luật, KTNN kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xem xét giải thích, sửa đổi, bổ sung kịp thời để địa phương có cơ sở thực hiện.

THÙY ANH (ghi)
Cùng chuyên mục
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk: Kiểm toán Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách của địa phương