Nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất chưa chặt chẽ

(BKTO) - Kiểm toán đánh giá việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất, kiểm toán nhà nước (KTNN) kết luận, một số đơn vị sự nghiệp tại các địa phương cho thuê tài sản là nhà, đất nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, chưa báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. Một số Bộ, cơ quan trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất; chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước…


Phối cảnh Khu Nhà điều hành trung tâm Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: VNU


Đó là những bất cập nổi cộm được KTNN chỉ ra khi thực hiện kiểm toán việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất tại các cơ quan, đơn vị.

Còn tình trạng lấn chiếm, mượn nhà, đất công

Trong đó, KTNN xác định, tại Đại học Quốc gia TP. HCM còn 426/782 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho Trường; tổng diện tích hiện đang bị lấn chiếm, xây dựng trái phép là 312.601m2. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị chưa có phương án xử lý dứt điểm vấn đề xác định rõ ranh giới, còn tình trạng các hộ lấn chiếm, cho mượn, tranh chấp chưa được giải quyết. Đơn cử, tại khu đất ở Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn trong tình trạng chưa xác nhận rõ ranh giới giữa Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do quyết định giao đất ban đầu không chỉ rõ ranh giới theo bản đồ. Hay tại khu đất ở Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) đến nay còn 3 hộ đang sử dụng 135m2 đất làm nhà ở, mà theo báo cáo nguyên nhân do khu đất này đã được cho 6 hộ mượn để làm nhà ở từ lâu, nhưng mới thu hồi được 3 hộ. Trong khu Ký túc xá sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ còn 34 phòng ở của viên chức, giảng viên với diện tích khoảng 1.095m2, mà theo báo cáo là do trước đây đã bố trí cho cán bộ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mượn để ở nhưng đến nay vẫn chưa di dời được. Cùng với những bất cập này, Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đang được triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng một phần nhưng vẫn còn một số vướng mắc.

Những bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa thể hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất. Không dừng lại ở đó, KTNN còn nêu rõ nhiều vấn đề đáng chú ý khác, như tình trạng chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, phản ánh trên sổ kế toán theo quy định; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả…

Quản lý thiếu chặt chẽ làm giảm hiệu quả sử dụng nhà, đất

Liên quan đến vấn đề thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định, KTNN nêu rõ, tại Đại học Quốc gia TP. HCM có tiệm photocopy Thanh Thanh Lịch sử dụng diện tích 93m2 hoạt động nhiều năm không trả phí, đơn vị đã nhiều lần yêu cầu trả mặt bằng nhưng chưa xử lý được. Văn phòng Đại học Quốc gia TP. HCM giao căng tin nhà điều hành cho Công đoàn quản lý, vận hành, khai thác chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trung tâm Dịch vụ và Xúc tiến đầu tư hợp tác sử dụng sân thể thao, dịch vụ ăn uống từ ngày 15/12/2014 đến nay nhưng chưa lập đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tại Khu Công nghệ phần mềm, việc xây dựng công trình Khu Thể dục thể thao và Công viên cảnh quan sinh thái chưa tuân thủ theo các quyết định phê duyệt cấp thẩm quyền. Đại học Quốc gia TP. HCM đã có Công văn số 98/ĐHQG-KHTC ngày 22/01/2016 gửi Khu Công nghệ phần mềm về việc xử lý sai phạm xây dựng công trình trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP. HCM.

Còn tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị như Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng đất được giao để liên doanh, liên kết, cho thuê nhưng chưa lập đề án trình phê duyệt theo quy định. Trường Đại học Y Dược sử dụng mặt bằng được giao 331,76m2 để hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây lắp Hoàng Bào trong khi chưa được Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép, chưa có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Tại một số cơ quan, đơn vị khác trên cả nước, KTNN phát hiện tình trạng chưa xây dựng đề án cho thuê tài sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; xây dựng đơn giá cho thuê nhà ở công vụ chưa đúng quy định hiện hành; chưa có đơn giá cho thuê và chưa thu tiền cho thuê nhà ở công vụ; chưa niêm yết giá cho thuê trên Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính theo quy định; chưa theo dõi và tổng hợp việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê; cho thuê tài sản nhưng chưa tổ chức đấu giá theo quy định…

Cùng với đó, hàng chục cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành việc lập phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo quy định; hàng trăm cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng do việc sát nhập các đơn vị nhưng chưa có phương án sắp xếp; nhiều cơ sở nhà đất đến nay vẫn chưa hoàn thành phương án xử lý, chưa được kiểm tra hiện trạng theo quy định… Đáng chú ý, vẫn có hàng trăm cơ sở nhà đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai, trong đó có cả nguyên nhân là do cơ quan, đơn vị quản lý chưa làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về việc thực hiện rà soát, sắp xếp, xử lý nhà đất và sử dụng tài sản đất, KTNN phát hiện và điểm danh một số đơn vị chưa báo cáo Bộ Tài chính về việc chậm thu hồi đất; chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được phê duyệt do diện tích lớn hơn định mức tối đa cho phép; một số cơ sở nhà đất đã được sử dụng vào mục đích khác không đúng quy định; một số cơ sở dôi dư đang bỏ trống không sử dụng… Có cơ sở nhà đất chưa được xác định giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán tài sản theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Trước những bất cập này, KTNN đã kiến nghị các đơn vị cần nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất./.
         

Tại một số cơ quan Trung ương, KTNN chỉ ra tình trạng chưa quản lý, theo dõi, báo cáo đầy đủ, kịp thời với cơ quan có thẩm quyền theo quy định đối với khu nhà ở công vụ để có biện pháp xử lý đối với những căn hộ để trống và những gia đình chưa trả lại nhà ở công vụ. Một số vị trí đất còn khiếu nại, tranh chấp với người dân, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Nhiều cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất chưa chặt chẽ