Nêu cao trách nhiệm, tính chủ động để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

(BKTO) - Cùng với nỗ lực để đưa ra những giải pháp tổng thể, liên thông giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với các ngành, địa phương trong việc hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo, trùng lặp, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, thời gian qua, các đơn vị kiểm toán cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề này và thực hiện tốt các biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán.



                
   

Các đơn vị kiểm toán thực hiện hiệu quả các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng chồng chéo với hoạt động thanh tra. Trong ảnh, các kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Ảnh: N.LỘC

   

Tăng cường phối hợp, hoàn thiện quy định để tránh chồng chéo

Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ kiểm toán, KTNN cũng đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán với mục tiêu không để các hoạt động này gây ảnh hưởng, phiền hà các đơn vị, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Thực hiện mục tiêu đó, KTNN luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong việc trao đổi kế hoạch công tác liên quan. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, thời gian qua, KTNN đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ (TTCP) và các cơ quan thanh, kiểm tra Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo.

Trong đó, KTNN và TTCP đã ký Quy chế phối hợp để xử lý kịp thời tình trạng này trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Quy chế quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán (KHKT), kế hoạch thanh tra; phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán; việc cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm toán…

“Trên tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo hai cơ quan đã chủ động trao đổi và kịp thời có ý kiến để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế xảy ra chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết và nhấn mạnh, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của hai cơ quan đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, cách làm của các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tại địa phương về vấn đề này.

                
   

Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán ngày càng giảm.
   Ảnh tư liệu

   

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải, dự thảo Luật Thanh tra đang được TTCP xây dựng trong đó có đề ra những quy định mới nhằm giải quyết triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật KTNN. Theo đó, hoạt động thanh tra, kiểm toán phải đảm bảo nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán (Điều 107 dự thảo Luật Thanh tra).

Trên cơ sở nguyên tắc đó, các quy định có liên quan đến dự thảo Luật vẫn đang tiếp tục được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho ý kiến, TTCP hoàn thiện, song các ý kiến đều cho rằng, các quy định có liên quan của Luật Thanh tra phải đảm bảo đồng bộ với Luật KTNN, trong đó nhấn mạnh đến vai trò chủ trì, phối hợp giải quyết tình trạng chồng chéo khi xảy ra của KTNN.

Theo PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), việc chú trọng xử lý, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đã được KTNN đặt ra từ rất sớm. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật Thanh tra, cần phải bám sát Luật KTNN sửa đổi để có quy định cho phù hợp.

Tiếp tục phát huy tính chủ động trong phòng ngừa, xử lý chồng chéo

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, bên cạnh công tác phối hợp ở cấp cao giữa KTNN với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý vướng mắc, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, lãnh đạo KTNN cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp để chủ động ngăn ngừa tình trạng này.

Theo đó, trước khi tiến hành kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo xây dựng phương án kiểm toán chi tiết, khoa học, phù hợp với điều kiện và năng lực của từng đơn vị, tránh chồng chéo, giảm thiểu ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán. Cụ thể, các đơn vị kiểm toán chú trọng thực hiện lập và gửi chi tiết danh mục các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán cho các cơ quan hữu quan, đơn vị được kiểm toán; sử dụng có hiệu quả Phần mềm cơ sở dữ liệu đầu mối đơn vị kiểm toán để khai thác thông tin lập KHKT, giảm thiểu thời gian, nhân lực khảo sát trực tiếp, hạn chế ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán...

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi xảy ra chồng chéo, KTNN sẽ chủ trì cùng các cơ quan thanh tra, kiểm tra xem xét để thống nhất giải quyết, hạn chế tối đa sự tham gia đồng thời của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan kiểm toán tại đơn vị.
                
   

Các đơn vị kiểm toán chú trọng rà soát và đề xuất các chủ đề, đối tượng kiểm toán đảm bảo không chồng chéo. Ảnh: N.LỘC

   

Chia sẻ về cách làm tại đơn vị để tránh chồng chéo, đại diện lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Ngành, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý tình trạng chồng chéo trong thực hiện kiểm toán. “Ngay từ khi khảo sát, thu thập thông tin lập KHKT, đơn vị đã thông tin về các đầu mối kiểm toán dự kiến với địa phương, đơn vị được kiểm toán để đảm bảo các cơ quan thanh tra tại đây không thực hiện hoạt động thanh tra trùng lặp với các đầu mối của KTNN” - đại diện KTNN khu vực V cho biết; đồng thời khẳng định, khi phát sinh chồng chéo, đơn vị đã chủ động xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN và trao đổi, phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết tình trạng này, không để ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.

Đây cũng là cách làm được nhiều đơn vị kiểm toán trong Ngành tập trung triển khai hiệu quả. Theo KTNN chuyên ngành VII, trên cơ sở hướng dẫn của KTNN về xây dựng KHKT năm, đơn vị đã rà soát và đề xuất các chủ đề, đối tượng kiểm toán đảm bảo không chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra các Bộ, ngành. Qua các cuộc kiểm toán đơn vị thực hiện đã kết thúc cho thấy không có đầu mối kiểm toán nào bị chồng chéo hoặc trùng lắp với các cơ quan chức năng khác.

Bên cạnh các giải pháp được nêu trên, theo kinh nghiệm của KTNN khu vực XI, đơn vị luôn chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra trong tỉnh trong việc lập KHKT để tránh chồng chéo; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị được kiểm toán trong thực thi công vụ. Nhờ đó, quan hệ công tác với các địa phương, đơn vị được kiểm toán được thực hiện tốt, giúp giảm tình trạng chồng chéo, trùng lặp, cũng như tăng sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán trong việc chấp hành thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Khẳng định việc hoàn thiện quy định trong xử lý vấn đề chồng chéo, cũng như sự vào cuộc tích cực của các đơn vị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa tình trạng này, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế vừa qua xuất hiện trường hợp địa phương, đơn vị vẫn tổ chức hoạt động thanh tra trùng lặp, dù đã được KTNN thông báo trước KHKT, đầu mối kiểm toán.

“Còn tình trạng đơn vị tranh thủ hoạt động thanh tra tại địa phương để trốn tránh việc kiểm toán, hoặc gây khó khăn cho đoàn kiểm toán” - PGS,TS. Đinh Thế Hùng cho biết và lưu ý thêm, các cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết triệt để tình trạng này, tránh những tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ.
         
Điều 64a, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN ghi nhận: Khi xây dựng KHKT hằng năm, KTNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với TTCP để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra, nếu trùng lặp, chồng chéo, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Nêu cao trách nhiệm, tính chủ động để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán