Nâng cao hiệu quả kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

(BKTO) - Chiều 09/6, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học KTNN đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”.



                
   

Ban chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu.
   Ảnh: Nguyễn Ly

   

Đề tài do KS. Nguyễn Hải Lý và ThS. Lê Đông Cúc (KTNN khu vực V) đồng chủ nhiệm. ThS.Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông xảy ra thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn.

Do đó, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang rất quan tâm, chú trọng và tập trung triển khai nhiều giải pháp cấp bách, đầu tư các dự án nhằm ứng phó, khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng thích ứng của các địa phương và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, những năm gần đây, KTNN đã rất chú trọng thực hiện các cuộc kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương, bảo đảm nguồn vốn nhà nước được sử dụng đúng mục tiêu, kịp thời và hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, môi trường là một lĩnh vực khó và KTNN mới chỉ triển khai một số cuộc kiểm toán riêng biệt, còn lại thực hiện lồng ghép kiểm toán môi trường với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương. Với riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công tác kiểm toán liên quan đến môi trường cũng như các hoạt động liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.

Do vậy, việc tổng hợp và phân tích thực trạng, từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán ứng phó biến đối khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là rất thiết thực. Đồng thời, việc đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thích hợp cũng tạo tiền đề để KTNN xây dựng các chuyên đề kiểm toán về môi trường và ứng phó biến đối khí hậu phù hợp với từng khu vực trên cả nước.

Đề tài được kết cấu gồm 2 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận và thực trạng về công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu; Chương 2 - Giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
                
   

Hội đồng nghệm thu đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài.
   Ảnh: Nguyễn Ly

   

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của Ban Đề tài, đặc biệt là các đánh giá về thực trạng công tác ứng phó biến đổi khí hậu và kết quả kiểm toán kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 8 nhóm giải pháp liên quan đến các loại hình kiểm toán phù hợp; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán; các kỹ thuật, công nghệ chuyên biệt liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu; năng lực kiểm toán viên; giám sát, thực hiện kiến nghị của KTNN...

Để Đề tài hoàn thiện và nâng cao khả năng ứng dụng, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài mở rộng đối tượng, phạm vi nghiên cứu; nêu bật vai trò của KTNN, tính cấp thiết và đặc thù riêng của cuộc kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu. Ban đề tài lưu ý bổ sung thêm một số khái niệm, cập nhật các văn bản quy định mới nhất và phân tích rõ từng nguyên nhân để đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trong đó, Đề tài cần tập trung vào nhóm giải pháp xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn kiểm toán biến đổi khí hậu dựa trên thực tiễn kiểm toán môi trường trong thời gian qua của KTNN và học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá.

THÙY LÊ





Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả kiểm toán ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long