Một số yếu tố để cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt kết quả tốt

(BKTO) - Từ thực tế triển khai cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2018 của tỉnh Đắk Lắk do KTNN khu vực XII thực hiện vừa qua, phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi nhận một số kinh nghiệm để tăng tính hiệu lực, hiệu qủa đối với cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.




Các kiểm toán viên KTNN khu vực XII trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Thu Hường

Đổi mới phương pháp,tăng cường phối hợp và tuân thủ nghiêm các quy trình, chuẩn mực; kịp thời báo cáo xin ý kiến xử lý các vấn đề phát sinh

Ông Nguyễn Xuân Khải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII, Trưởng Đoàn kiểm toán - cho biết: Thực hiện theo quy trình, khi triển khai cuộc kiểm toán này, KTNN khu vực XII đã sớm xây dựng, phê duyệt Đề cương khảo sát gửi UBND tỉnh Đắk Lắk để địa phương nắm bắt và tạo điều kiện cho Đoàn khảo sát, các kiểm toán viên (KTV) thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin tại các đơn vị. Trên cơ sở đó, kế hoạch kiểm toán được lập sát với thực tế và đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Nhằm giúp các KTV nắm bắt trọng tâm kiểm toán, tuân thủ đúng các quy định của Ngành, Đoàn kiểm toán đã ban hành Nội quy để cụ thể hóa các nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp, quy trình kiểm toán cũng như quy chế làm việc của KTNN và đơn vị, quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn, các quyết định, chỉ thị, công điện của KTNN... Nội quy cũng đề cập tới các trọng tâm kiểm toán để quy định rõ nhiệm vụ của từng thành viên từ khâu lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán, xét duyệt báo cáo kiểm toán, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Trước khi triển khai kiểm toán, lãnh đạo Đoàn phổ biến Nội quy và yêu cầu mọi thành viên phải nghiên cứu kỹ để nắm bắt, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Trưởng đoàn yêu cầu KTV, Tổ kiểm toán phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả làm việc hằng ngày thông qua việc ghi nhật ký kiểm toán; đổi mới phương pháp lập biên bản xác nhận số liệu, dự thảo biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán để đẩy nhanh tiến độ tổng hợp kết quả kiểm toán, lập, phát hành báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Đồng thời, Trưởng đoàn đặc biệt lưu ý thái độ ứng xử của từng KTV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nêu cao trách nhiệm của Trưởng đoàn, Tổ trưởng trong việc quản lý các thành viên. Các công điện, chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ đều được phổ biến, quán triệt kịp thời tới mọi thành viên trong Đoàn kiểm toán.

Khi triển khai kế hoạch kiểm toán tại tỉnh và các đơn vị, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán thông báo công khai về phân công nhiệm vụ cho các KTV và nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán… Trưởng đoàn đã chủ động đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, huyện và các đơn vị được kiểm toán đề nghị phối hợp, giám sát để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc giữa đơn vị với KTV, Tổ kiểm toán và các hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực của KTV với các đơn vị được kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán, điều đặc biệt quan trọng là KTV phải thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp, luôn lắng nghe đơn vị thuyết minh, giải trình, xác định rõ bản chất của từng nội dung kiểm toán để đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp và có tính khả thi cao. Những vướng mắc phát sinh đều được xử lý ở Tổ, vấn đề khó hơn thì báo cáo Trưởng đoàn, Kiểm toán trưởng để giải quyết; các phát hiện kiểm toán trọng yếu đều kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách. Nhờ đó, mọi khó khăn đều được tháo gỡ kịp thời, hoạt động của Đoàn kiểm toán đảm bảo sự nhịp nhàng, thông suốt. Đây là một trong những yếu tố giúp đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo kiểm toán.

Khi tổ chức hội nghị thông qua dự thảo biên bản kiểm toán tại đơn vị kiểm toán chi tiết, tổng hợp, Đoàn kiểm toán đều mời đại diện sở, ngành tổng hợp (Tài chính, Thuế) và các đơn vị có liên quan đến nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán tham dự họp để tham gia ý kiến tạo sự đồng thuận với kết quả kiểm toán từ đơn vị kiểm toán chi tiết đến tổng hợp. Tăng cường việc lắng nghe ý kiến giải trình của các đơn vị được kiểm toán, tổ chức làm việc để lãnh đạo tỉnh tham gia ý kiến, từ đó giảm thiểu các khiếu nại, kiến nghị kiểm toán, rút ngắn thời gian phát hành Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Cách làm này đã giúp cho việc phát hành Báo cáo kiểm toán của Cuộc kiểm toán NSĐP năm 2018 tỉnh Đắk Lắk sớm hơn 11 ngày so với quy định.

Linh hoạt, đúng mựctrong ứng xử

Từ thực tiễn, Phó Kiểm toán trưởng Nguyễn Xuân Khải đúc rút được rằng: Việc tham mưu cho lãnh đạo KTNN khu vực về phương án tổ chức đoàn, tổ kiểm toán và sắp xếp các thành viên trong đoàn, tổ kiểm toán hợp lý đúng người, đúng việc, phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường sẽ giúp KTV cảm thấy yên tâm thực hiện nhiệm vụ và phát huy được thế mạnh của mình; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ, đoàn kiểm toán.

Ông Khải cho biết từng chia sẻ với KTV, kiểm toán là một nghề đặc thù, đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó. Ngoài 8 tiếng làm việc mỗi ngày với đơn vị được kiểm toán, KTV còn phải tranh thủ thời gian ngoài giờ nghiên cứu văn bản, ghi chép những nội dung cần làm rõ để trao đổi với đơn vị. Đó là chưa kể, vào những ngày cao điểm hay khi gặp các vấn đề phức tạp, KTV phải thức thâu đêm để tìm tòi phương án giải quyết.

Đặc biệt, theo ông Khải, không chỉ tinh thông nghiệp vụ, yêu cầu quan trọng đối với KTV, nhất là Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán phải có thái độ ứng xử đúng mực, khiêm tốn, tôn trọng đối với các đơn vị được kiểm toán. Nếu KTV ỷ mình là cán bộ của cơ quan kiểm tra, kiểm toán và cho rằng đơn vị được kiểm toán phải có nghĩa vụ phục vụ thì đó không phải là tinh thần hợp tác. Một vấn đề trước tiên để đơn vị được kiểm toán hợp tác với Đoàn kiểm toán là thái độ ứng xử của KTV. Do đó, từng thành viên của Đoàn kiểm toán phải có ý thức tổ chức kỷ luật tốt và thái độ ứng xử đúng mực.

Qua kiểm toán NSĐP năm 2018 của tỉnh Đắk Lắk, KTNN khu vực XII đã kiến nghị xử lý các khoản chênh lệch thu, chi NSNN, các khoản phải nộp, các khoản xuất toán... hơn 585,8 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 519,3 tỷ đồng, kiến nghị khác 66,4 tỷ đồng. Cũng tại cuộc kiểm toán này, qua kiểm toán chi phí xây lắp, KTNN khu vực XII đã kiến nghị xử lý tài chính đạt 2,5% giá trị được kiểm toán, 100% đơn vị được đối chiếu thuế đều tăng thu hoặc giảm lỗ… Bên cạnh đó, Đoàn kiểm toán đã kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý thu, chi NSĐP, tài nguyên khoáng sản, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài sản công, tài chính công và sửa đổi, hủy bỏ một số văn bản do địa phương ban hành không đúng quy định.

Kết quả trên cho thấy mối quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN nói chung và KTNN khu vực XII với tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị được kiểm toán trên địa bàn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; mặt khác, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng quy trình chuẩn mực, sáng tạo và linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ là những yếu tố không thể thiếu để làm nên một cuộc kiểm toán có chất lượng tốt.

LƯU HƯỜNG
Cùng chuyên mục
Một số yếu tố để cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt kết quả tốt