KTNN và cơ quan thuế sẽ phối hợp ngày càng hiệu quả trong việc kiểm tra, đối chiếu thuế

(BKTO) - Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán




Ông Đặng Ngọc Minh. Ảnh: Đức Minh

♦ Thưa ông, nhiều năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế (NNT). Ông đánh giá như thế nào về công tác này của KTNN?

- Trong quá trình kiểm toán ngân sách tại các địa phương hoặc cơ quan thuế, KTNN thực hiện kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của NNT, nếu có nghi vấn hoặc phát hiện rủi ro thì thông qua cơ quan thuế, yêu cầu NNT làm việc tại cơ quan thuế để cung cấp tài liệu, đối chiếu và giải trình.

NNT mà KTNN yêu cầu cung cấp tài liệu và giải trình thường là các DN có rủi ro, đôi khi các đối tượng này đã thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra được cơ quan thuế lựa chọn. Vì vậy, việc phối hợp với KTNN yêu cầu DN đối chiếu, giải trình cũng là mục tiêu của cơ quan thuế trong thanh tra, kiểm tra theo cơ chế rủi ro và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về thuế. Tuy nhiên, do thời gian đối chiếu của KTNN ngắn, phạm vi hẹp nên một số trường hợp mà KTNN đối chiếu chỉ là chọn mẫu để đánh giá việc quản lý thuế của cơ quan thuế, sẽ không thay thế được nội dung thanh tra theo kế hoạch của cơ quan thuế.

♦Trong quá trình đó, ngành thuế đã phối hợp với KTNN như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp tích cực và hiệu quả với KTNN. Cụ thể:

Đối với trường hợp KTNN kiểm toán trực tiếp NNT, cơ quan thuế đã phối hợp tích cực và chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán của KTNN. Việc phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên kế hoạch của KTNN nếu kế hoạch này trùng lặp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế; cơ quan thuế sẽ điều chỉnh kế hoạch để tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT.

Kết luận, kiến nghị của KTNN liên quan đến công tác quản lý thuế, số thuế phải nộp NSNN đều được cơ quan thuế chỉ đạo theo dõi, đôn đốc NNT thực hiện và có đối chiếu, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế, công chức thuế khi được cử tham gia các buổi làm việc hay phối hợp với KTNN để xác định lại nghĩa vụ thuế của NNT cần chủ động, phối hợp tích cực với KTNN trong quá trình đối chiếu, xác minh nghĩa vụ thuế của NNT.

♦ Như ông trao đổi, Tổng cục đã quán triệt rõ trách nhiệm phối hợp với KTNN của cơ quan thuế. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn một số cơ quan chưa thật sự phối hợp tốt với KTNN trong việc đối chiếu thuế. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Về nguyên tắc, cơ quan thuế phải có trách nhiệm phối hợp tốt với KTNN theo quy định pháp luật. Cơ quan thuế luôn cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến công tác kiểm toán thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế lưu giữ và luôn thực hiện đúng nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại khoản 3, Điều 57 Luật KTNN. Trong trường hợp KTNN cần thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác kiểm toán thuộc trách nhiệm của NNT lưu giữ, cơ quan thuế luôn phối hợp tốt và cung cấp thông tin để KTNN mời NNT làm việc tại cơ quan thuế nhằm thu thập bằng chứng phục vụ yêu cầu kiểm toán cũng như kiểm tra đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của NNT.

♦ Vậy xin ông cho biết, ngành thuế đã và đang chuẩn bị những gì để có thể phát huy tốt nguyên tắc trên cũng như phối hợp hiệu quả hơn với KTNN trong thời gian tới?

- Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN tại Điều 21. Theo đó, kiến nghị của KTNN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT được quy định rõ trong trường hợp KTNN kiểm toán trực tiếp NNT và trường hợp KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với NNT mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế. Như vậy, khi NNT không thống nhất với kết luận, kiến nghị của KTNN thì Luật cũng có quy định rõ về cơ quan chịu trách nhiệm với kết luận, kiến nghị của mình hoặc cơ quan giải quyết kiến nghị của NNT.

Triển khai thực hiện Luật, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn dự kiến. Nghị định dự kiến sẽ bổ sung quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của “người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan kiểm toán, thanh tra” và trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính của cơ quan kiểm toán/thanh tra khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn của NNT; quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính, cơ quan ban hành quyết định xử phạt cũng như giải quyết những kiến nghị từ phía NNT.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019 dự kiến sẽ quy định cụ thể việc tránh chồng chéo trong trường hợp KTNN kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có lựa chọn hồ sơ để kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của NNT tại cơ quan thuế; cụ thể hóa trách nhiệm phối hợp của công chức thuế trong trường hợp này để phát huy đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả công tác kiểm toán của KTNN cũng như công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

♦ Với những nội dung đã được Luật định và đang dự thảo, theo ông, công chức thuế - cầu nối giữa kiểm toán viên và NNT - sẽ tham gia như thế nào vào quá trình đối chiếu thuế?

- Điều 21 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: Trường hợp NNT không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN về nghĩa vụ thuế phải nộp thì NNT có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, KTNN xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ kiến nghị của NNT, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện xác định chính xác nghĩa vụ thuế của NNT và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Lúc này, cán bộ thuế (người có thẩm quyền của cơ quan thuế) có trách nhiệm phối hợp với KTNN thực hiện xác định chính xác nghĩa vụ thuế của NNT và chịu trách nhiệm theo quy định.

Ông kỳ vọng như thế nào về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ này giữa 2 cơ quan trong thời gian tới?

- Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (đều có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) đã quy định rõ phạm vi kiểm toán của KTNN; quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế và KTNN, đồng thời quy định rõ hơn công tác phối hợp giữa 2 cơ quan. Công tác này cũng đã được tiếp tục cụ thể hóa trong các dự thảo nêu trên.

Với các cơ sở pháp lý đó và tiếp nối những kết quả tích cực trong công tác phối hợp giữa KTNN và cơ quan thuế, tôi tin rằng, sự phối hợp giữa 2 cơ quan trong công tác kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của NNT sẽ ngày càng hiệu quả, giảm thiểu thất thu NSNN.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!
         
“Nguyên tắc kiểm toán là kiểm toán ngân sách và lựa chọn mẫu đối chiếu, thu thập bằng chứng phục vụ yêu cầu kiểm toán. Do đó, sự phối hợp giữa KTNN và cơ quan thuế là quan trọng nhưng cần phải cân đối nguồn lực để đảm bảo việc tham gia vào quy trình đối chiếu của cơ quan thuế khách quan, minh bạch” - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.
THU HƯỜNG (thực hiện
Cùng chuyên mục
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, đối chiếu thuế
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2019, KTNN khu vực V đã thực hiện 4 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ; kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế đối với 79 DN, qua đó đưa ra các kiến nghị tăng thu, giảm lỗ xác đáng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đơn vị đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
  • Tăng thu ngân sách hàng chục nghìn  tỷ đồng qua kiểm tra, đối chiếu thuế
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Giai đoạn 2016-2019, qua công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo người nộp thuế tại các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), KTNN khu vực IV đã kiến nghị xử lý, khắc phục những hạn chế, sai phạm và kiến nghị tăng thu hàng nghìn tỷ đồng cho NSNN. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kiểm tra, đối chiếu thuế còn gặp nhiều khó khăn.
  • Kiến nghị tăng thu ngân sách, giảm lỗ với hầu hết doanh nghiệp được đối chiếu thuế
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, kiểm tra, đối chiếu thuế là một trong những nội dung được KTNN khu vực I chú trọng khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nam. Qua đó, đơn vị đều phát hiện tăng thu ngân sách về thuế đối với hầu hết DN được kiểm tra, đối chiếu, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán.
  • Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về  phương án tài chính của dự án PPP
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Phương án tài chính là một trong những mấu chốt của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nếu phương án tài chính tính sai, hoặc không phù hợp sẽ dẫn đến bất lợi cho các bên tham gia, đặc biệt là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì hầu hết các phương án tài chính do nhà đầu tư tính toán, cơ quan nhà nước khi thẩm định cũng chỉ dựa trên các dữ liệu đầu vào do chủ đầu tư cung cấp nên tiềm ẩn vấn đề tính chi phí đầu tư lớn hơn thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước về cả thời gian sử dụng cũng như chi phí tính vào dự án.
  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng KTNN chuyên nghiệp, hiện đại
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của KTNN cũng không ngừng được nâng lên, qua đó từng bước góp phần xây dựng hình ảnh KTNN chuyên nghiệp, hiện đại. Đây chính là thành quả của việc kiên trì theo đuổi thực hiện những chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yêu cầu then chốt, là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KTNN.
KTNN và cơ quan thuế sẽ phối hợp ngày càng hiệu quả trong việc kiểm tra, đối chiếu thuế