Kiểm toán viên nội bộ - thích ứng và tận dụng cơ hội từ khủng hoảng

(BKTO) - Đại dịch đã làm thay đổi các chức năng kiểm toán nội bộ (KTNB), đồng thời cũng mở ra cánh cửa cho các kiểm toán viên (KTV) cải tiến hoạt động chuyên môn để tạo ra giá trị theo những cách mới.



                
   

54% nhóm KTNB đang đầu tư vào việc đào tạo KTV
   về các rủi ro và công nghệ mới nổi
   Nguồn: MetricStream

   

Nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu

Theo nghiên cứu về tình hỉnh kiểm toán nội bộ năm 2021 của MetricStream (Công ty chuyên cung cáp các giải pháp quản trị, rủi ro và tuân thủ toàn cầu), những người đang thực hành KTNB theo cách truyền thống như trước đại dịch Covid-19 chỉ còn là thiểu số. KTNB đã thay đổi với xu hướng kiểm toán từ xa, công nghệ mới được triển khai và tập trung cao độ vào an ninh mạng.

Khoảng 70% KTV đã phải thay đổi kế hoạch của họ và sắp xếp lại các hoạt động kiểm toán trong thời kỳ đại dịch. Các nhóm KTNB cũng đang tiếp cận các tài nguyên mới: Khoảng 12% người được hỏi đã tăng phạm vi kiểm toán hoặc năng lực cho nhóm của họ, trong khi 15% khác triển khai công nghệ mới để cải thiện hiệu quả.

Cũng theo nghiên cứu, hầu hết những người được hỏi buộc phải khẩn trương thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, 44% cho biết thách thức lớn nhất của KTNB là mức độ thay đổi xảy ra trong các ưu tiên kinh doanh cũng như rủi ro và tuân thủ.

Thách thức lớn thứ hai đối với các KTV nội bộ trong thời kỳ đại dịch là thiếu các công cụ và công nghệ kiểm toán hiệu quả (35%). Tiếp đó là thách thức về cung cấp sự đảm bảo tích hợp với rủi ro và tuân thủ (30%).

Áp dụng kiểm toán nhanh và kiểm toán liên tục

Theo đánh giá của MetricStream, một trong những giải pháp hiệu quả trong bối cảnh môi trường kiểm toán đang thay đổi nhanh chóng là kiểm toán nhanh. Phương pháp này cho phép KTV dễ dàng thực hiện và cung cấp sự đảm bảo có mục tiêu hơn, đồng thời, cung cấp thông tin chi tiết, kịp thời hơn, tiết kiệm vốn và giảm lãng phí cho tổ chức.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích của kiểm toán nhanh, 60% những người được khảo sát cho biết họ vẫn chưa áp dụng cách tiếp cận nhanh đối với KTNB. Trong số 40% những người đã sử dụng phương pháp kiểm toán nhanh, tỷ lệ cao nhất khi sử dụng phương pháp này là để tiến hành lập kế hoạch kiểm toán nhanh và ưu tiên nhiệm vụ (27%).

Ngoài ra, khoảng 15% người được hỏi trong số những người đã sử dụng một số hình thức kiểm toán nhanh cho biết, họ đã thiết lập các bước chạy nước rút ngắn hơn để đạt được các mục tiêu cụ thể. Chạy nước rút cho phép KTV kiểm tra thường xuyên hơn, đảm bảo rằng các cuộc kiểm toán của họ vẫn đang đi đúng hướng để hoàn thành mục tiêu.

Cùng với kiểm toán nhanh, nhiều nhóm KTNB cũng đang thực hiện giám sát liên tục (CM) và kiểm toán liên tục (CA). Gần 40% KTV nội bộ cho biết họ đang trong quá trình triển khai hoặc đã triển khai CM và CA. Theo đó, CM và CA đang giúp các tổ chức tăng cường quản lý rủi ro và tuân thủ, đồng thời tối ưu hóa việc ra quyết định và giảm chi phí.

Thử nghiệm các công nghệ mới

Covid-19 đã hạn chế việc đi lại và giao tiếp, kết quả là môi trường làm việc tại nhà khiến các KTV nội bộ khó lấy dữ liệu hơn trong thời gian thực. Nghiên cứu của MetricStream cho thấy, một phần của vấn đề này là nhiều người vẫn đang dựa vào phần mềm cũ để làm việc, chẳng hạn như bảng tính và Microsoft Word.

Cụ thể, 54% những người được hỏi nói rằng họ vẫn dựa vào các gói phần mềm văn phòng cơ bản như Microsoft Word. Mặc dù các phần mềm này vẫn hiệu quả khi làm việc tại văn phòng nhưng chúng lại trở nên cồng kềnh và cản trở sự hiểu biết sâu sắc khi làm việc từ xa. 26% số người được hỏi nhận thấy các phần mềm cũ không phải lúc nào cũng tích hợp các chương trình kiểm toán với quản lý rủi ro, tuân thủ và các chức năng đảm bảo khác để có một cái nhìn toàn diện về rủi ro.

Hơn 1/3 số người tham gia khảo sát đã vượt ra khỏi các ứng dụng truyền thống và đang thử nghiệm với phân tích dữ liệu, trực quan hóa dữ liệu. Nghiên cứu cho thấy, những công cụ cải tiến này giúp việc kiểm tra từ xa và giám sát liên tục trở nên dễ dàng hơn. KTV cũng cải thiện việc ra quyết định bằng cách cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro, thách thức và sự không chắc chắn ở nhiều cấp độ.

Cẩn trọng hơn nữa với an ninh mạng

Trong khi an ninh mạng luôn là mối quan tâm, các KTV nội bộ cho biết đại dịch đã đẩy rủi ro mạng lên cao hơn nữa. Ba mối đe dọa và rủi ro mạng hàng đầu khiến các DN lo lắng là các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, vi phạm tuân thủ và giả mạo các tài khoản mạng xã hội của công ty.

Kể từ sau đại dịch, các cuộc tấn công mạng đã leo thang trên khắp các ngành công nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ mới và các mô hình làm việc ảo. Công ty an ninh mạng VMware Carbon Black đã công bố một báo cáo cho thấy, trong lĩnh vực tài chính, các cuộc tấn công mạng đã tăng 238% chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 4/2020.

Vì vậy, tăng khả năng phục hồi hoạt động cũng nằm trong danh sách việc cần làm của nhiều KTV nội bộ với 42% nhấn mạnh nó là ưu tiên hàng đầu. Do hậu quả của đại dịch, nhiều nhóm quản lý cấp cao đang yêu cầu KTNB giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho DN đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Cùng với đó, 54% cho biết họ cũng đang đầu tư vào việc đào tạo các KTV của mình về các rủi ro và công nghệ mới nổi. Trí tuệ nhân tạo, máy học và phân tích nâng cao đã và đang thay đổi cách thức thực hiện kiểm toán. Hơn 30% số người được hỏi cho biết họ cũng đang tìm cách thuê nhiều KTV có tay nghề cao hơn, trong khi 27% hy vọng áp dụng các công cụ sáng tạo hơn như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)./.
         
Với mục tiêu tìm hiểu cách thức các KTV nội bộ giúp tổ chức của họ phục hồi sau cuộc khủng hoảng đang diễn ra, MetricStream đã thực hiện một cuộc khảo sát với các KTV nội bộ từ khắp các ngành và quốc gia. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh vào những thách thức, tác động đến KTNB, các khoản đầu tư trong tương lai và cách thức thích ứng với khủng hoảng của các KTV nội bộ.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kiểm toán viên nội bộ - thích ứng và tận dụng cơ hội từ khủng hoảng