Kiểm toán nhà nước và Ban Công tác đại biểu ký Quy chế phối hợp trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

(BKTO) - Chiều ngày 05/7, tại trụ sở KTNN, đã diễn ra Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Ban Công tác đại biểu trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Lễ ký Quy chế phối hợp trong hoạt động bồi dưỡng giữa KTNN và Ban Công tác đại biểu. Ảnh: N. LỘC

Tham dự Lễ ký Quy chế, về phía Ban Công tác đại biểu có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; các Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu: Nguyễn Tuấn Anh, Tạ Thị Yên; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng và đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc Ban Công tác đại biểu.

Về phía KTNN, tham dự Lễ ký có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh; các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung và đại diện lãnh đạo một số đơn vị tham mưu thuộc KTNN.                

   Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: N. LỘC   

Thực tiễn phát triển của đất nước và quy định của Hiến pháp, pháp luật đặt ra yêu cầu Quốc hội, HĐND các cấp phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, với chủ trương lấy đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là trung tâm. Việc nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, góp phần phát huy dân chủ, pháp quyền, khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, HĐND, góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước nhanh, bền vững, phù hợp ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Lãnh đạo Quốc hội qua các nhiệm kỳ đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Mới đây nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 29/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch 98/KH-UBTVQH15 ngày về Khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cả nhiệm kỳ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tiến hành hoạt động này.                

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: N.LỘC   

Phát biểu tại Lễ ký Quy chế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong các nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có KTNN tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu, được ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nhiệm kỳ mới 2021-2026 của Quốc hội và HĐND mới bắt đầu được một năm, với phần lớn đại biểu dân cử là người mới trúng cử lần đầu. Do vậy, đòi hỏi phải trang bị kiến thức, kỹ năng khác nhau, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, để đại biểu có thể tham gia xem xét, quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách, giám sát thực hiện NSNN; quyết định, phân bổ và giám sát vốn đầu tư công, xây dựng cơ bản, đất đai… Đây là những lĩnh vực chuyên sâu, đại biểu gặp nhiều thách thức, khó khăn, rất cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp.

"Với vị thế và chức năng của KTNN - cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Ban Công tác đại biểu rất cần sự tham gia của các báo cáo viên có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm thực tiễn của KTNN, nhằm từng bước trang bị cho đại biểu dân cử kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của đại biểu dân cử trong các lĩnh vực chuyên môn sâu" - Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc phối hợp, Ban Công tác đại biểu và KTNN tổ chức ký Quy chế phối hợp trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Quy chế phối hợp sẽ là tiền đề quan trọng để hai cơ quan tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, phối hợp trên tinh thần chủ động, phát huy thế mạnh của mình, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.                

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: N.LỘC  

Phát biểu tại Lễ ký Quy chế, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đánh giá cao quan hệ phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu và KTNN trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thời gian qua. Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ban Công tác đại biểu để tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết chuyên sâu của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND về tài chính, ngân sách...

“Đại biểu Quốc hội cần có sự hiểu biết toàn diện trong các lĩnh vực để tự tin, trách nhiệm với những quyết định của mình trên nghị trường. Để làm được điều này, hoạt động đào tạo chuyên sâu cho đại biểu Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng và cần được tăng cường” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.         

Quy chế phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu và KTNN trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm 7 điều, trong đó quy định rõ phương thức phối hợp, nội dung phối hợp. Theo đó, Ban Công tác đại biểu và KTNN phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo phục vụ hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; khảo sát nhu cầu bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng; phối hợp trong xây dựng nội dung chương trình, tài liệu, bố trí giảng viên, báo cáo viên và tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã...
Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước và Ban Công tác đại biểu ký Quy chế phối hợp trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân