Kiểm toán Nhà nước ứng dụng công nghệ, nghiên cứu triển khai đào tạo trực tuyến

(BKTO) - Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác đào tạo, trọng tâm là nghiên cứu triển khai đào tạo theo hình thức trực tuyến. Đây không chỉ là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, mà còn là định hướng của Ngành nhằm phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.




Một lớp đào tạo CNTT trực tuyến do Trung tâm Tin học phối hợp tổ chức. Ảnh: Lộc Văn
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo

Xác định rõ CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hoá mọi mặt hoạt động của KTNN, trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực đào tạo luôn được lãnh đạo KTNN quan tâm, phát triển. Cùng với nhiều lĩnh vực khác, hạ tầng CNTT phục vụ cho hoạt động đào tạo đã được xây dựng và phát triển bài bản, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Hệ thống mạng nội bộ của KTNN sử dụng các công nghệ tiên tiến, có khả năng đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai các ứng dụng phục vụ cho hoạt động quản lý, đào tạo của KTNN, đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định và an toàn. Trong đó, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN T.Ư cũng đáp ứng được một phần yêu cầu triển khai các chương trình đào tạo của Ngành.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT, trên cơ sở yêu cầu nghiệp vụ về công tác quản lý đào tạo của Ngành, Trung tâm Tin học (TTTH) đã phối hợp xây dựng và hoàn thành Phần mềm Quản lý đào tạo. Đến nay, Phần mềm này đã được tích hợp lên hệ thống quản lý điều hành của KTNN và đủ điều kiện để triển khai phục vụ Kế hoạch đào tạo năm 2020 của Ngành. Mới đây, KTNN vừa có Công văn gửi các đơn vị trực thuộc kế hoạch đưa Phần mềm vào sử dụng. Theo đó, việc triển khai Phần mềm này sẽ trải qua giai đoạn thí điểm từ ngày 24/3 - 06/7/2020, trước khi áp dụng chính thức từ tháng 8/2020.

Trên cơ sở các tính năng của Phần mềm, các đơn vị có liên quan sẽ triển khai, thực hiện các công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ đối với lĩnh vực đào tạo. Cụ thể, Vụ Tổ chức cán bộ khảo sát nhu cầu đào tạo hằng năm và nhu cầu đào tạo đột xuất trong Ngành, xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm; phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các đơn vị trực thuộc KTNN để lập danh sách học viên cho các lớp... Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) quản lý kế hoạch đào tạo, triển khai lớp học; xây dựng chương trình, tài liệu; quản lý và cập nhật thông tin lớp học, danh mục thi, ngân hàng câu hỏi; khảo sát đối với lớp học... Tất cả các công việc này đều được thực hiện trên hệ thống Phần mềm. Việc đưa vào vận hành Phần mềm sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, đáp ứng nhu cầu đào tạo của Ngành và kỳ vọng của lãnh đạo KTNN.

Theo Phó Giám đốc TTTH Nguyễn Văn Quang, hiện nay, công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động đào tạo của Ngành được các đơn vị triển khai rất tích cực. Đơn cử, tại TTTH, việc quản lý, tổ chức đào tạo cho các lớp CNTT đã được thực hiện từ nhiều năm nay, từ việc xây dựng chương trình, đến cách thức giảng dạy, thực hành đều được lập trên phần mềm.

Nghiên cứu áp dụng hình thứcđào tạo trực tuyến

Nhấn mạnh yêu cầu ứng dụng CNTT đối với lĩnh vực đào tạo trực tuyến, cũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai đào tạo trực tuyến đối với 21 lớp chuyên môn, 28 lớp CNTT còn lại của năm 2020. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, các đơn vị cần chủ động kế hoạch đào tạo với hình thức linh hoạt để đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ đào tạo của năm.

Thông tin về vấn đề này, ông Lê Minh Nam - Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT - cho biết, việc chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Phía Trường luôn sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện về chương trình, tài liệu giảng dạy cho phù hợp. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù hiện nay đa phần giảng viên tham gia giảng dạy là cán bộ, công chức trong Ngành kiêm nhiệm, do đó, để đảm bảo hiệu quả giảng dạy trực tuyến, giảng viên cũng cần ý thức về sự chuyển đổi này để có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Còn theo Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà, việc giảng dạy trực tuyến sẽ theo phương pháp E-learning. Nếu áp dụng tốt, phương pháp đào tạo này sẽ mang lại hiệu quả cao, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh. TTTH sẽ phối hợp với Trường ĐT&BDNVKT xem xét các điều kiện cần thiết để tổ chức lớp học...

Trao đổi với Báo Kiểm toán, PGS,TS. Phan Duy Minh - nguyên Phó Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT - cho rằng, mặc dù chưa áp dụng phổ biến nhưng vấn đề đào tạo trực tuyến đã được KTNN đề cập từ nhiều năm trước và đã tổ chức một số lớp đào tạo theo hình thức này, chủ yếu là qua cầu truyền hình. Trường cũng từng tham khảo một số đơn vị về hình thức đào tạo trực tuyến, song chưa có điều kiện để tổ chức lớp học. “Trong bối cảnh dịch bệnh, phải cách ly xã hội, việc áp dụng đào tạo trực tuyến là yêu cầu cần thiết và nhằm khai thác tối đa ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Minh nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua, việc triển khai đào tạo cũng như cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo trực tuyến đã được KTNN thực hiện. Năm 2019, Ban Quản lý dự án CNTT của KTNN phối hợp với TTTH tổ chức đào tạo trực tuyến Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản cho kiểm toán viên. KTNN cũng đã cử một số cán bộ tham gia các khóa đào tạo trực tuyến do Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) tổ chức... Với những kinh nghiệm trong công tác tổ chức, cũng như kinh nghiệm của cán bộ, giảng viên về đào tạo trực tuyến, cộng với điều kiện hạ tầng CNTT hiện đại, đồng bộ, KTNN có thể chuyển đổi thành công từ đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Kiểm toán Nhà nước ứng dụng công nghệ, nghiên cứu triển khai đào tạo trực tuyến