Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước - cơ sở pháp lý, thực tiễn và một số vấn đề đặt ra: Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước - vì sao cần thiết?

(BKTO) - Đến nay, việc sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) dưới 50% vốn nhà nước ra sao, hiệu suất đầu tư thế nào, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực đó không… vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Để làm sáng tỏ những vấn đề này, điều quan trọng là Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần phải “vào cuộc”.



                
   

Hoạt động kiểm toán đảm bảo duy trì lợi ích từ việc đầu tư vốn và tài sản của Nhà nước vào DN mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Ảnh tư liệu

   


Thực hiện trách nhiệm giải trình và bảo vệ quyền lợi nhà nước

Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, KTNN thực hiện kiểm toán để bảo vệ quyền lợi nhà nước (bảo vệ việc quản lý nguồn lực công). Qua hoạt động kiểm toán của KTNN, tất cả cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn lực công thực hiện trách nhiệm giải trình về việc sử dụng tài chính công, tài sản công đã được Nhà nước đầu tư. Đồng thời, hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo duy trì lợi ích từ việc đầu tư vốn và tài sản của Nhà nước vào DN mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối.

TS. Lê Đình Thăng phân tích, khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thay đổi, từ DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ rồi DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50%, đến một lúc nào đó, thậm chí Nhà nước chỉ nắm giữ 30 - 40%. Vấn đề đặt ra là Nhà nước có cần nắm giữ không quá 40% cổ phần tại DN hay không? Thứ hai, vốn của Nhà nước tại DN là nguồn lực công, tài sản công cho nên bất luận một đồng tài sản công, một đồng vốn công nào cũng cần được kiểm toán. Thứ ba, Chính phủ cần thực hiện trách nhiệm giải trình về việc đầu tư vốn nhà nước dưới 50% mang lại lợi ích gì, nguồn vốn này đang được quản lý ra sao? Đây là những vấn đề KTNN cần kiểm toán.

Có ý kiến cho rằng, DN dưới 50% vốn nhà nước thuộc đối tượng kiểm toán độc lập, KTNN không nhất thiết phải kiểm toán DN này hoặc định kỳ 3 - 5 năm mới kiểm toán một lần. Về vấn đề này, có thể khẳng định rằng, việc thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán hằng năm là nhu cầu và trách nhiệm của chủ DN. Qua kiểm toán độc lập, DN sẽ được công ty kiểm toán tư vấn về quản trị nguồn vốn nói chung. Tuy nhiên, kiểm toán độc lập chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, xác nhận báo cáo có đúng tiêu chuẩn, nguyên tắc hay không. Kiểm toán độc lập cũng không có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước (bảo toàn và phát triển số vốn của Nhà nước). Khi đó, ai bảo vệ số vốn cũng như quyền lợi của Nhà nước? Để góp phần giải quyết những vấn đề này, KTNN cần phải “vào cuộc” và phát huy vai trò.

Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước như thế nào?

TS. Lê Đình Thăng cho rằng, khi kiểm toán vốn và tài sản nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, KTNN cần làm rõ các câu hỏi: Vốn và tài sản nhà nước còn không? Hiệu suất đầu tư như thế nào? Nhà nước cần đầu tư vào lĩnh vực đó hay không? Khi không cần đầu tư, Nhà nước rút vốn theo hình thức nào?

Để làm sáng tỏ các câu hỏi đó, KTNN có thể kiểm toán theo các chuyên đề lớn đối với nhóm ngành nghề, nhóm mặt hàng hoặc Bộ, ngành, địa phương; kiểm toán chuyên đề nhỏ với DN có quy mô vốn tương đối lớn. Trong quá trình kiểm toán, KTNN cần sử dụng tối đa số liệu đã được công ty kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính (đã tính tỷ suất lợi nhuận) và phải rà soát, đánh giá lại theo đúng Chuẩn mực KTNN (không kiểm toán lại).

KTNN cần tránh việc kiểm toán báo cáo tài chính vì đó là trách nhiệm của chủ DN. Nội dung kiểm toán chủ yếu của KTNN là kiểm toán việc tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn, tài sản nhà nước (để kiểm soát nguồn đầu tư vốn, tài sản của Nhà nước vào DN).

Định kỳ 2 - 3 năm hoặc 5 năm, KTNN phải có báo cáo tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN không nắm cổ phần chi phối hoặc báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào các DN. Như vậy, KTNN sẽ có báo cáo về DNNN nắm giữ 100% cổ phần, cổ phần chi phối và cổ phần không chi phối. Đối với DNNN nắm cổ phần không chi phối, KTNN cần đặc biệt lưu ý về việc kết luận hiệu suất đầu tư - yếu tố rất quan trọng trong hoạt động đầu tư của bất kỳ nhà đầu tư nào (trong đó có Nhà nước).

Khi KTNN kiểm toán các nội dung trên, kết quả kiểm toán sẽ cho biết tình hình quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước như thế nào, Nhà nước đã đầu tư bao nhiêu cổ phần không chi phối tại bao nhiêu DN, nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào DN có lợi hay không, hiệu suất như thế nào, ngành nghề nào Nhà nước đang đầu tư nhiều nhất, những ngành nghề đó Nhà nước có cần thiết phải đầu tư hay không; thực trạng tuân thủ pháp luật của các DN như thế nào… Những nội dung kiểm toán này là vấn đề được các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội mong chờ.

Khi KTNN khuyến nghị Nhà nước không cần đầu tư vào DN thì cơ quan quản lý vốn nhà nước có thể quyết định bán cổ phần đó để thu hồi vốn, tạo sức mạnh tài chính để đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm, những ngành then chốt, mũi nhọn và đem lại hiệu suất cao hoặc khuyến nghị Nhà nước điều chỉnh các chính sách vĩ mô cho hợp lý để DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển sôi động hơn… Hơn nữa, kinh nghiệm tại Cộng hòa Liên bang Đức cho thấy, với việc tăng cường kiểm toán các nguồn lực công tại DN thông qua hoạt động kiểm toán nhà nước, nhiều DN tư nhân đã xác định không sử dụng vốn của Chính phủ. Do đó, việc KTNN kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tại DN dưới 50% vốn nhà nước còn là biện pháp để ngăn chặn nhiều tổ chức tư nhân muốn sử dụng nguồn lực công./.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Mỗi đoàn viên, thanh niên Kiểm toán nhà nước phải xung phong đi đầu trong chuyển đổi số
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Kiểm toán nhà nước (KTNN) lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra trong thời điểm tuổi trẻ cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
  • Chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán: Những khoảng trống pháp luật cần lấp đầy
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Với việc kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khoảng 10 năm qua cùng nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, hệ thống pháp luật quy định về nhiệm vụ này của KTNN vẫn còn những khoảng trống...
  • TS. Vũ Thanh Hải: Đoàn viên, thanh niên phải luôn trau dồi tri thức, thể hiện khát vọng cống hiến để khẳng định giá trị
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn và có nhiều đóng góp quan trọng, giúp xây dựng vị thế của tổ chức Đoàn, cũng như thông qua hoạt động đoàn để phát triển hoạt động chuyên môn, TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nguyên Bí Thư Đoàn Thanh niên KTNN cho biết, hoạt động đoàn tại một cơ quan chuyên môn cao, đặc thù như Kiểm toán nhà nước (KTNN), đòi hỏi mỗi đoàn viên, thanh niên phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn. Muốn làm được điều này, lực lượng đoàn viên, thanh niên phải không ngừng học tập, đổi mới, sáng tạo và giữ nhiệt huyết của tuổi trẻ, thể hiện khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ. Đây cũng là những lời nhắn nhủ tâm huyết, được TS. Vũ Thanh Hải chia sẻ với Báo Kiểm toán nhằm truyền tải đến các thế hệ đoàn viên, thanh niên của KTNN hôm nay.
  • KPMG Singapore đầu tư lớn cho công tác đào tạo
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hãng kiểm toán KPMG tại Singapore vừa qua đã công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu đô-la Singapore trong vòng 5 năm tới cho các chương trình đào tạo nhằm cải thiện công tác quản lý, sử dụng dữ liệu, ứng dụng kỹ thuật số, xây dựng chiến lược nâng cao năng lực và kiến thức về ESG (môi trường, xã hội và quản trị DN) cho lực lượng lao động hùng hậu gồm hơn 3.200 nhân sự tại quốc gia này.
  • Kiểm toán viên trẻ cần không ngừng nỗ lực để khẳng định mình
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tự nhận bản thân là người có thể trạng sức khỏe không thực sự tốt, song nữ kiểm toán viên Đặng Thị Giang (Kiểm toán nhà nước -KTNN khu vực II) bộc bạch, chính tình yêu nghề kiểm toán, yêu mến hình ảnh Kiểm toán viên nhà nước đã thôi thúc chị đến và gắn bó với nghề, vượt qua mọi rào cản, thách thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước - cơ sở pháp lý, thực tiễn và một số vấn đề đặt ra: Kiểm toán doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước - vì sao cần thiết?