Kế toán - kiểm toán Việt Nam: Triển vọng và thách thức

(BKTO) - Dưới lăng kính của các chuyên gia, DN, năm 2017, lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và làm minh bạch hơn thị trường tài chính. Triển vọng lạc quan tiếp tục là xu hướng chính của thị trường kế toán, kiểm toán trong năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, DN kiểm toán vẫn phải đối diện với không ít thách thức.



PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA:Các hội nghề nghiệphoạt động ngày càngchuyên nghiệp

Kể từ khi hình thành và phát triển cho đến nay và đặc biệt là năm 2017, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn. Cụ thể, môi trường pháp lý được hình thành tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và dần phù hợp với thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế.

         
   
   
PGS.TS Đặng Văn Thanh
   
   
Các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, góp phần phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán không chỉ hỗ trợ DN tạo lập thông tin kinh tế tài chính theo quy định của luật pháp, góp phần tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là tăng cường tính công khai, minh bạch của thông tin tài chính và làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam vẫn còn những thách thức nhất định. Đó là, hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa đồng bộ và tính hiệu lực chưa cao.

Mặc dù số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng nhanh song chỉ một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động. Mặt khác, các tổ chức nghề nghiệp chưa thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phù hợp với thông lệ quốc tế đối với những vấn đề liên quan đến nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các quy định về kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp.

Để kế toán, kiểm toán Việt Nam xứng đáng là công cụ quản lý kinh tế tài chính tin cậy của DN và Nhà nước, góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, hội nhập thành công, kế toán, kiểm toán cần được phát triển để trở thành một nghề nghiệp hoạt động độc lập, khách quan, được xã hội hóa.

Do đó, ngoài việc giúp các DN, các đơn vị sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán hiểu được lợi ích của dịch vụ này, cần có những quy định rõ ràng hơn về tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; đổi mới chương trình và nội dung đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm và tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Còn các tổ chức nghề nghiệp thực hiện tốt chức năng quản lý chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán. Đó là những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển thị trường kế toán, kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế, được quốc tế thừa nhận.

Ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam:Tạo động lực cho kế toán, kiểm toán phát triểnvà hội nhập

Năm 2017 là năm có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường kế toán, kiểm toán của Việt Nam, như: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập có quy mô lớn và thị trường chứng khoán phục hồi nhanh. Hầu hết các công ty kiểm toán đều ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu dịch vụ cũng như việc mở rộng các dịch vụ kiểm toán - tư vấn.

         
Mở rộng quy mô dịch vụ tư vấn - kiểm toán - kế toán đòi hỏi các công ty kiểm toán nhận diện sớm các xu hướng phát triển, thách thức về công tác quản trị DN để đưa ra giải pháp tối ưu. Đối với PwC, chúng tôi luôn đặt trọng tâm vào chất lượng kiểm toán. Công tác kiểm toán phải được nhìn nhận đúng với vai trò là bảo vệ sự minh bạch của thị trường tài chính cũng như quyền lợi của các thành viên tham gia vào thị trường này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục mở rộng các mảng dịch vụ mới như: dịch vụ an ninh mạng, dịch vụ đảm bảo về công nghệ thông tin, tư vấn về thiết lập và nâng cao năng lực quản trị DN…

Một điểm nổi bật của lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong năm 2017 là việc Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đi kèm với việc tăng cường tổ chức các hội thảo về định hướng, lộ trình triển khai cũng như bổ trợ kiến thức về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam.

Những dự báo khả quan về nền kinh tế và nhiều thay đổi trong các quy định pháp luật liên quan đến kế toán và kiểm toán là cơ sở để kỳ vọng năm 2018 tiếp tục là một năm sôi động đối với thị trường kế toán, kiểm toán của Việt Nam.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng hội nhập sâu, yêu cầu về tính độc lập của kiểm toán viên và chất lượng trong hoạt động kiểm toán sẽ ngày càng cao. Do đó, các công ty kiểm toán phải có những quy trình thủ tục cần thiết liên quan đến việc quản lý chất lượng kiểm toán nói chung.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu hoàn thiện sớm hơn các quy định về kế toán và kiểm toán theo hướng hội nhập, giảm thiểu sự khác biệt không cần thiết giữa các quy định của Nhà nước với các thông lệ quốc tế; đồng thời, tập trung, tăng cường giám sát và quản lý đối với các hiệp hội nghề nghiệp, công ty kiểm toán. Ngoài ra, các hiệp hội nghề nghiệp cần được trao quyền nhiều hơn trong việc phát triển chuẩn mực kiểm toán, kế toán cũng như đưa ra hướng dẫn về các chuẩn mực này.

Tôi cũng hy vọng năm 2018, Chính phủ sẽ ra quyết định liên quan đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cho việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kiểm toán, kế toán trong các năm tiếp theo và tạo ra động lực hội nhập công tác kiểm toán, kế toán của Việt Nam với khu vực và thế giới.n

Bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc khu vực Mê Kông, ACCA:Kiểm toán góp phần làm minh bạch thị trường tài chính

Năm 2017, chỉ số VN-Index (Chỉ số chứng khoán trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM) đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả khả quan của thị trường chứng khoán có đóng góp một phần không nhỏ của ngành kiểm toán độc lập. Nhiều nhà đầu tư đã ghi nhận độ tin cậy đối với thông tin tài chính được kiểm toán của các tổ chức niêm yết nói riêng và công ty có lợi ích công chúng nói chung.

         

   Bà Nguyễn Thụy Minh Châu
   
Năm qua, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán, phát hiện, xử lý triệt để nhiều sai phạm. Đây cũng đánh dấu việc Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán được kiện toàn bộ máy đổi tên thành Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán để thực hiện hiệu quả chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định và chuẩn mực.

Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và đào tạo chuyên sâu về cách thức áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS) cũng như thảo luận về lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam. Đây là tiến triển lớn nhằm nâng cao hơn nữa niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường tài chính tại Việt Nam, đem lại cơ hội lớn cho thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam.

Năm 2018, các DN kiểm toán sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tăng cường niềm tin của công chúng, các DN, nhà đầu tư vào chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng như việc duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, môi trường pháp lý yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải gia tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ kiểm toán, các DN kiểm toán sẽ gặp khó khăn khi giữ chân nhân viên chủ chốt đã qua đào tạo, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là những người có chứng chỉ quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu các tổ chức và tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Mặc dù còn nhiều thách thức song ACCA tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam sẽ phát triển lớn mạnh trong năm 2018 và những năm tới cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Xu hướng hội nhập sâu rộng, hợp tác quốc tế giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp, DN, trường đại học và tổ chức đào tạo chuyên môn quốc tế sẽ giúp ngành kiểm toán độc lập nói riêng và thị trường kiểm toán nói chung ngày càng phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ tốt hơn lợi ích công chúng. ACCA - một trong các tổ chức đào tạo quốc tế tại Việt Nam - rất tự hào vì đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển này và sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa trong tương lai.


Bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam:Một năm khởi sắc củangành Kiểm toán Việt Nam

Năm 2017 được đánh giá là một năm khởi sắc của ngành Kiểm toán Việt Nam. Là tổ chức nghề nghiệp quốc tế tại Việt Nam, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) rất tự hào đã hợp tác chặt chẽ với KTNN. Năm 2017, ICAEW chính thức ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với KTNN Việt Nam và vinh dự đón Đoàn lãnh đạo KTNN do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn đầu thăm và làm việc tại trụ sở chính của ICAEW ở Thủ đô London.

         

   Bà Đặng Thị Mai Trang
   
Bộ tài liệu 6 môn học chương trình ICAEW Chartered Accountant chuyển giao trong năm 2016 cũng đã được KTNN và ICAEW phối hợp dịch thuật sang tiếng Việt, hoàn tất hiệu đính và dự kiến xuất bản vào đầu năm 2018. Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là nguồn tài liệu thực hành theo chuẩn mực quốc tế hữu ích với chương trình đào tạo Kiểm toán viên của KTNN trong thời gian tới.

Năm 2018 mang đến cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhiều cơ hội phát triển song cũng không ít thách thức. Khi cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu triển khai việc tiến tới thừa nhận chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia, thách thức lớn nhất đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam chính là vấn đề đào tạo, cập nhật các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ, Kiểm toán viên.

Tuy nhiên, nền tảng phát triển nghề nghiệp với những đóng góp tích cực vào nền kinh tế là động lực để kế toán, kiểm toán Việt Nam tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, thị trường tài chính phát triển mạnh, số lượng các công ty niêm yết, công ty đại chúng đều gia tăng sẽ đem đến nhiều cơ hội mở rộng dịch vụ, thị phần cho các công ty kiểm toán. Chính phủ cũng đề cao sự minh bạch, công khai trong nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các DN đều phải tiến tới lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế trong tương lai gần, công khai kết quả hoạt động với sự xác nhận của kiểm toán.

Với tư cách một tổ chức nghề nghiệp quốc tế đang hoạt động và đóng góp tích cực tại Việt Nam, ICAEW xin chúc nghề nghiệp kế toán - kiểm toán ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững. Chúng tôi cam kết sẽ đóng góp hết sức mình vì sự phát triển chung của ngành nghề và nền kinh tế Việt Nam.

THANH XUYÊN - NGỌC MAI (lược ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
Kế toán - kiểm toán Việt Nam: Triển vọng và thách thức