Hoạt động kiểm toán nhà nước giúp đo lường hiệu quả của chính sách thu hút FDI

(BKTO) - Từ thực tế hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, hoạt động kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường hiệu quả của các chính sách thu hút FDI.



Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng: “Các DN liên doanh có phần góp vốn của Nhà nước là khách thể kiểm toán của KTNN. Nếu các DN đó thực hiện chuyển giá nghiêm trọng với các bên có quan hệ liên kết ở nước ngoài, KTNN cần quan tâm kiểm toán đối với hoạt động này với mục đích bảo toàn, chống thất thoát phần góp vốn của Nhà nước trong liên doanh. KTNN nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình xây dựng, thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật để chống gian lận, trốn thuế và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá; triển khai và tăng cường các cuộc kiểm toán môi trường, đánh giá tác động của các dự án FDI đối với môi trường”.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương: “Thời gian qua, 2.670 DN lỗ mất vốn nhưng điều kỳ lạ là có đến 60% trong số DN đó vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này đặt ra nghi vấn không ít DN FDI chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại nhưng không bị điều tra, phát hiện. Do đó, hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ góp phần giám sát, đánh giá mục tiêu chính sách rõ ràng để giúp đo lường hiệu quả của chính sách. Sự tham gia của KTNN còn nhằm tăng cường việc xét duyệt các dự án đầu tư thiếu công khai, minh bạch; hạn chế cơ chế xin cho, lợi dụng chế độ ưu đãi để gian lận thụ hưởng; hạn chế tình trạng DN càng đạt lợi nhuận cao thì càng được ưu đãi hơn về miễn, giảm thuế”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng: “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài, TP. Hải Phòng đề nghị KTNN tiến hành kiểm toán chuyên đề liên quan đến việc định giá tài sản góp vốn (cả Việt Nam và nước ngoài) nhằm xác định hợp lý giá trị tài sản, giá trị DN; kiểm toán các DN FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh để làm rõ hiện tượng chuyển giá, báo lỗ thời gian qua. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật về thuế. Trong trường hợp ý kiến của KTNN và cơ quan thuế chưa thống nhất về việc xác định nghĩa vụ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng của DN do có vướng mắc về chính sách, KTNN có thể xem xét trưng cầu ý kiến của các Bộ, ngành liên quan hoặc xin ý kiến của Chính phủ trước khi ban hành kết luận, kiến nghị thực hiện đối với nội dung còn vướng mắc; bổ sung các quy định cụ thể hơn về xác định giá đất trong các dự án đầu tư. TP. Hải Phòng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp kịp thời của KTNN trong đẩy mạnh thu hút FDI, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài”.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Quốc Văn: “Trong số các thiết chế có chức năng kiểm soát đối với hoạt động thu hút FDI, cơ quan Thanh tra và KTNN cần được định vị một vị trí quan trọng. Các cơ quan này cần tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm toán chuyên đề liên quan tới thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình hành động của Chính phủ, chỉ ra những thiếu sót, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm chống gian lận và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá. Đặc biệt là cần có cơ chế để Thanh tra Chính phủ, KTNN tập trung xem xét, đánh giá nhiều hơn những tác động bất lợi của các dự án, DN FDI đến môi trường, an ninh quốc gia, từ đó đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thu hút FDI nhằm sàng lọc hiệu quả các dự án đầu tư FDI, hạn chế các tác động tiêu cực này. Chẳng hạn, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để ngăn chặn hiện tượng đầu tư “chui”, “núp bóng”; chặn các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm như: năng lượng, cảng biển, đường sắt, dự án có nguy cơ ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, dự án đầu tư ở những khu đất có vị trí nhạy cảm như: ven biển, biên giới, các lĩnh vực dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại... Cơ chế kiểm soát này cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lợi ích và quyền kinh doanh hợp pháp của nhà đầu tư, thiện chí hợp tác nhưng cương quyết tránh làm tổn hại về an ninh quốc gia, lợi ích của ngành, DN và người lao động trong nước, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cơ quan Thanh tra, KTNN cũng cần tiến hành thanh tra, kiểm toán để xem xét chính sách, quy định và việc thực hiện quản lý, kiểm soát đối với giao dịch liên kết của DN FDI có rủi ro cao về chuyển giá nhằm phát hiện các hành vi chuyển giá với quy mô lớn, những sơ hở trong các chính sách, quy định hiện hành để kiến nghị sửa đổi, ban hành bổ sung các quy định cần thiết, chống chuyển giá tại các DN FDI, hạn chế DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra, kiểm toán nhằm đảm bảo các hoạt động này không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN FDI, không tác động tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài”.

THÀNH ĐỨC (lược ghi)
Cùng chuyên mục
Hoạt động kiểm toán nhà nước giúp đo lường hiệu quả của chính sách thu hút FDI