Hoạt động kiểm toán của KTNN có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(BKTO) - Những năm qua, KTNN có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP), được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTNLP trong hoạt động kiểm toán, tại Tọa đàm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và giải pháp”, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò, quyền hạn của KTNN trong PCTNLP.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm - Ảnh: L.HÒA

   

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian qua, KTNN đã đạt được nhiều thành tích trong công tác PCTNLP. Theo đó, phát huy vai trò của cơ quan tham gia PCTNLP, giai đoạn 2009-2020, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 493.891,5 tỷ đồng; trong đó, số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện là 310.999,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,9%.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1.426 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, KTNN đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động kiểm toán, KTNN đã ban hành khoảng 30 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ để triển khai Hiến pháp, Luật KTNN nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; phát huy vai trò của KTNN trong PCTNLP.

Theo Chánh Thanh tra KTNN Dương Quang Chính, với 03 chức năng được quy định cụ thể trong Luật KTNN là: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, KTNN đã góp phần đảm bảo, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành pháp trong hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, vai trò PCTN của KTNN được thể hiện thông qua việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí qua hoạt động kiểm toán.
                
   

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Vũ Thanh Hải tham luận tại Tọa đàm - Ảnh: L.HÒA

   

Đề cập đến nhũng kết quả đạt được về pháp luật KTNN trong PCTNLP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN) Vũ Thanh Hải cho biết, thời gian qua, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của KTNN nói chung và hệ thống pháp luật về PCTNLP trong lĩnh vực KTNN nói riêng được xây dựng và hoàn thiện kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt, Luật PCTN năm 2018 đã xác định KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng (gồm: Cơ quan Thanh tra Chính phủ, Cơ quan điều tra, KTNN, Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân); đồng thời, bổ sung quy định thẩm quyền của KTNN trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động PCTN, KTNN đã thường xuyên chủ động phối hợp tốt với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán. KTNN đã ký quy chế phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân các tỉnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động kiểm toán của KTNN trong PCTNLP cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, việc phát hiện các vụ án tham nhũng và số vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật chưa nhiều; việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn có đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để; còn có những kiến nghị sau khi phát hành báo cáo kiểm toán phải điều chỉnh một phần hoặc thay đổi hoàn toàn…

Để tiếp tục nâng cao kết quả, hiệu quả công tác PCTN trong hoạt động kiểm toán, tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, thời gian tới, KTNN cần tiếp tục tăng cường kiểm toán đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo đúng quy định của Luật KTNN và Luật PCTN; đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, tăng cường và tập trung kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án giao thông…

Đồng thời, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả, chú trọng phát hiện các bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật, những rào cản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật đảm bảo chặt chẽ; tiếp tục hoàn thiện Luật KTNN theo hướng đảm bảo bao quát nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát nguồn lực tài chính công, tài sản công.

Mặt khác, KTNN cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối, kết hợp trong công tác PCTNLP với Cơ quản Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án… để việc phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí ngày càng thực chất và phát huy giá trị trong thực tiễn. Đặc biệt, trong mối quan hệ với cơ quan thuộc hệ thống chính trị, tính độc lập của KTNN cần được tôn trọng và đảm bảo. Đây chính là mấu chốt để KTNN thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCTNLP theo quy định của pháp luật.
                
   

GS.TS Đoàn Xuân Tiên bế mạc Tọa đàm - Ảnh: L.HÒA

   

Kết thúc Tọa đàm, GS.TS Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu, đồng thời khẳng định, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình cấp quốc gia do KTNN chủ trì.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Hoạt động kiểm toán của KTNN có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí