Hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng dưới góc nhìn của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Nhiều điểm sáng trong kết quả hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và 09 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, qua lăng kính của KTNN, vẫn còn nhiều bất cập cần chấn chính để đảm bảo việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.




                

   Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh minh họa: VTV
   


Thành công nhờ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

“Năm 2020, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,23%, thấp hơn mức yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 là kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%” - KTNN đánh giá.

Đồng thời, việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cụ thể, NHNN Việt Nam đã thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất, vào các ngày 13/6, 12/5, 06/8 và 30/9/2020. Tổng mức điều chỉnh trong năm đã làm giảm 1,5%-2%/năm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NSNN Việt Nam đối với các ngân hàng.

Cùng với đó là giảm 06%-1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 06 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,5% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam.

KTNN cũng ghi nhận, các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đã đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động. Chẳng hạn, với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương (Vietinbank), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và hợp nhất lần lượt là 10,51% và 10,79%, trong khi quy định tối thiểu là 9%; tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 12,28%, trong khi quy định tối thiểu là 10%; tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng Việt Nam là 61,74%, trong khi quy định tối thiểu là 50%.

Hay như tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 18,2%; tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), biên khả năng thanh toán bằng 119% biên khả năng thanh toán tối thiểu…

Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm kinh doanh có lãi. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank là 17.119,81 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 16,9%; Co-opBank đạt lợi nhuận trước thuế 178,86 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 3,72%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đạt lợi nhuận trước thuế 202,92 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 4,2%.
                

   Năm 2020, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận lớn. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính
   


KTNN cũng ghi nhận, lợi nhuận trước thuế của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) là 211,08 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 30,1%. Với Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI), lợi nhuận trước thuế đạt 1.072,52 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 11,78%; PJICO đạt lợi nhuận trước thuế 227,46 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu 11,9%...

Thêm một yếu tố tích cực là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm toán đều dưới 2% - đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 (ngoại trừ 01 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng 2,49%). Trong đó, có ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng 0,95%; có ngân hàng duy trì được tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,75% tổng dư nợ.

Bất cập trong thực hiện chính sách, quy định pháp luật

Song song với những kết quả đáng khích lệ nêu trên, KTNN đã phát hiện một số vấn đề bất cập liên quan đến việc thực hiện chính sách, quy định pháp luật và tình hình thực hiện các khoản đầu tư… của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán.

         

KTNN chỉ ra rằng, mức giảm lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao, ở thời điểm tháng 01/2020 chênh lệch tới 4,12% và ở thời điểm tháng 12/2020 chênh lệch tới 4,61%. Có 01 ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN Việt Nam, số vượt được KTNN xác định lên tới 3.318 tỷ đồng.



Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Vấn đề này được KTNN chỉ ra tại chi nhánh của 01 ngân hàng thương mại cổ phần với khoản đầu tư ra nước ngoài tính đến năm 2020 đã lỗ lũy kế 16,2 triệu Euro (tương đương 462 tỷ đồng).

Tại 01 công ty bảo hiểm đã phải trích lập dự phòng 37,08 tỷ đồng/37,08 tỷ đồng cho khoản đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng; trích lập dự phòng 37,33 tỷ đồng/43,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư góp vốn vào 01 doanh nghiệp.Hơn nữa, công ty bảo hiểm này đã phải trích lập dự phòng 140,17 tỷ đồng/344,12 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Trước đó nhiều năm, công ty cũng đã đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng đến thời điểm kiểm toán mới thu được 32,03 tỷ đồng tiền gốc, chưa thu được lãi và đã phải trích lập dự phòng rủi ro số tiền 167,97 tỷ đồng…

Tại 01 công ty bảo hiểm khác cũng đã đầu tư 23,8 tỷ đồng mua cổ phiếu và đã trích lập dự phòng 58,1%; một khoản đầu tư cổ phiếu khác trị giá 7,97 tỷ đồng cũng đã được trích lập dự phòng 46,2%. Còn khoản đầu tư 4,34 tỷ đồng vào một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đã được trích lập dự phòng 31,3%.

Đối với các ngân hàng, KTNN chỉ ra 01 ngân hàng chưa thu được khoản đầu tư tiền gửi 330 tỷ đồng/580 tỷ đồng tại một công ty tài chính từ năm 2011.

Liên quan đến vấn đề công nợ, một số đơn vị vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Trong đó, tại 01 ngân hàng có khoản phải trả hơn 907,46 nghìn Euro nhưng không có hồ sơ chi tiết; tại 01 công ty bảo hiểm còn khoản phải thu 4,73 tỷ đồng phát sinh trong giai đoạn 2010-2018, đồng thời công ty này chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến một số khoản công nợ phải thu, tạm ứng lâu ngày (8,51 tỷ đồng) không có khả năng thu hồi.

Một số ngân hàng chưa nộp NSNN khoản thu hồi được từ nợ ngoại bảng đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa (111,16 tỷ đồng).

Vấn đề đáng chú ý nữa được KTNN nêu rõ là một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp. Tuy nhiên, ngoại trừ nhiều trường hợp năm 2021 các ngân hàng đã phân loại vào nhóm nợ cao hơn hoặc đã tất toán nợ vay nên KTNN không điều chỉnh nhóm nợ.

Do đó, tại 01 ngân hàng, KTNN không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 622,46 tỷ đồng, không điều chỉnh tăng dư nợ nhóm 2, 3, 4, 5 lần lượt là 132,43 tỷ đồng; 275,02 tỷ đồng; 13,18 tỷ đồng và 201,83 tỷ đồng; kết quả kiểm toán chỉ điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 45,49 tỷ đồng và điều chỉnh tăng dư nợ nhóm 2, 3, 4, 5 số tiền lần lượt là 34,07 tỷ đồng; 9,62 tỷ đồng; 0,35 tỷ đồng và 1,45 tỷ đồng.

Tương tự, tại 01 ngân hàng khác, KTNN không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 7.197,01 tỷ đồng, không điều chỉnh tăng dư nợ của 4 nhóm tiếp theo lần lượt là 2.735,56 tỷ đồng; 3.677,05 tỷ đồng; 384,51 tỷ đồng và 399,89 tỷ đồng; kết quả kiểm toán chỉ điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 243,94 tỷ đồng và tăng dư nợ của 4 nhóm tiếp theo lần lượt là 166,1 tỷ đồng; 34,72 tỷ đồng; 15,93 tỷ đồng và 27,19 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ một số ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác nên kết quả kiểm toán đã điều chỉnh tăng hoặc giảm chi phí dự phòng (ngoại trừ những trường hợp năm 2021 các ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng hoặc đã tất toán nợ vay thì KTNN không điều chỉnh). Trong đó, có ngân hàng phải tăng chi phí dự phòng thêm 20,97 tỷ đồng, nhưng cũng có ngân hàng phải giảm chi phí dự phòng 5,14 tỷ đồng.

Đánh giá về việc thực hiện các trình tự, thủ tục cho vay của các ngân hàng, KTNN chỉ ra nhiều bất cập như công tác thẩm định còn sơ sài, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản đảm bảo; thiếu chứng từ giải ngân, tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát sau cho vay còn sơ sài; gia hạn nợ vượt quá thời gian… Thậm chí, KTNN phát hiện tại 01 ngân hàng có nhiều trường hợp cho vay vượt hạn mức và cho vay đối tượng không phù hợp dẫn đến xác định số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ NSNN tăng thêm 0,58 tỷ đồng./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng dưới góc nhìn của Kiểm toán nhà nước