Hoàn thiện cơ sở pháp lý để tăng cường vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(BKTO) - Trong thời gian qua, KTNN đã ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để xác định rõ hơn vai trò, chức năng của KTNN đối với công tác này.



Đó là một trong những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Cơ sở lý luận về pháp luật Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kinh nghiệm quốc tế”, do KTNN tổ chức vào sáng 23/11 dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh - Chủ nhiệm Đề tài.
                
   

Quangcảnh Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, trong quá trình phát triển và hoạt động, ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
                
   

TổngKiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, Chủ nhiệm Đề tàiphát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

Để thực hiện công tác này, KTNN đã không ngừng hoàn thiện các văn bản pháp luật, các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, nâng cao năng lực công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước. Qua đó, KTNN đã có những đóng góp nhất định đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua.

Đề cập đến những đóng góp này, Ths.Vũ Hải Đăng - Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian qua, KTNN đã đạt được nhiều thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận.

Đơn cử, trong giai đoạn 2013-2020, KTNN đã tập trung kiểm toán việc thu, chi ngân sách nhà nước; việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng.
                
   

Ths. Vũ Hải Đăng - Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

Kết quả, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 396.270 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 952 văn bản pháp luật để bịt lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm; chuyển 22 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; cung cấp 476 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...

“Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Chính phủ, kết quả kiểm toán được đánh giá là tiền đề quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Kết quả này cũng thể hiện rõ vai trò của KTNN trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” - ông Vũ Hải Đăng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng chia sẻ, thời gian qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Qua đó, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đóng góp quan trọng cho sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước.
                
   

PGS. TSĐặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

Tại Tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học cũng trao đổi về kinh nghiệm của các Cơ quan kiểm toán tối cao trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, trong đó, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chia sẻ 3 kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình nghiên cứu thực tiễn.

Một là, cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và đánh giá rủi ro có tham nhũng. Cụ thể, KTNN có thể phát hiện ra các hành vi tham nhũng thông qua việc nhận diện và giám sát các "điểm nóng" có thể dẫn đến tham nhũng, ví dụ như các hoạt động mua sắm công. KTNN cũng có thể hỗ trợ các cơ quan phòng, chống tham nhũng bằng việc cung cấp thông tin cần thiết. Đặc biệt, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, KTNN có thể tiếp cận trên cơ sở định hướng rủi ro để nhận diện và đánh giá khả năng xảy ra các hành vi tham nhũng.
                
   

PGS. TSNguyễn Thị Phương Hoa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: L.HÒA

   

Hai là, tăng cường hợp tác với các cơ quan phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thực thi luật pháp và các cơ quan nhà nước khác. Do KTNN không phải là cơ quan phòng, chống tham nhũng, nên việc hợp tác giữa KTNN và các cơ quan phòng, chống tham nhũng và các cơ quan thực thi luật pháp là hết sức cần thiết. KTNN cần được trao quyền để điều tra về các nghi ngờ liên quan đến gian lận và các vi phạm về mặt hình sự, từ đó báo cáo các vụ việc này cho cơ quan có đủ thẩm quyền và năng lực để giải quyết.

Ba là, tăng cường hợp tác với người dân và các tổ chức xã hội, bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy, người dân và các tổ chức xã hội dân sự có thể đóng vai trò hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện giám sát các cơ quan chính phủ.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học cũng trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Vai trò của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN...
                
   

GS. TSThái Vĩnh Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

Kết thúc Tọa đàm, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, với tinh thần làm việc nghiêm túc, tích cực, khoa học và trách nhiệm của các đại biểu, các nhà khoa học, Tọa đàm đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
                
   

GS. TSĐoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu bế mạc Tọa đàm. Ảnh: L.HÒA

   

“Chúng tôi đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu, các nhà khoa học. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban Đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do KTNN chủ trì” - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh./.
LÊ HÒA - DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện cơ sở pháp lý để tăng cường vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí