Định hướng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2024 của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán

(BKTO) - Sáng 30/9, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Kế hoạch hoạt động của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) 3 năm giai đoạn 2022-2024. Cùng dự có lãnh đạo Trường và một số đơn vị trực thuộc KTNN.




                
   

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc trình bày Kế hoạch hoạt động của Trường giai đoạn 2022-2024.
   Ảnh: N.Ly

   

Trình bày Kế hoạch hoạt động 3 năm giai đoạn 2022-2024, ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường - cho biết: Mục tiêu hoạt động của Trường là trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KTNN có chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại; cung cấp các dịch vụ chất lượng, uy tín cho các tổ chức, cá nhân ngoài KTNN có nhu cầu; chuẩn bị các điều kiện cơ bản để nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Trường xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022-2024 như sau:

Tiến hành rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quản lý, điều hành của Trường; trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các quy định mới về xét chọn, tổ chức nghiệm thu đề tài và ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học.

Xây dựng Phương án tự chủ tài chính của Trường ổn định giai đoạn 2022-2025, Phương án tự chủ tài chính đối với 3 đơn vị trực thuộc Trường: Trung tâm Tư vấn - Dịch vụ, Phân hiệu phía Nam và Chi nhánh Cửa Lò; xây dựng Đề án Khai thác cơ sở vật chất của Trường trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt.

Triển khai các thủ tục nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để bổ sung Học viện Kiểm toán vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2024, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập Học viện Kiểm toán.

Bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao theo từng năm đáp ứng nhiệm vụ đề ra, trong đó chú trọng tuyển nhân sự giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên. Đến năm 2024, nhân sự thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học chiếm khoảng 35-40% tổng lao động của Trường, trong đó có ít nhất 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ, tạo điều kiện để nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán.

Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Trường sẽ xây dựng mới các chương trình, tài liệu đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động kiểm toán; biên soạn các giáo trình có chất lượng theo định hướng đào tạo của mô hình Học viện Kiểm toán; xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, bài tập tình huống phục vụ giảng dạy và thi, kiểm tra.

Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động khoa học công nghệ đảm bảo chặt chẽ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn kiểm toán. Tiến hành số hóa các kết quả nghiên cứu khoa học của Ngành, từng bước chuyển thư viện của Trường sang mô hình thư viện số, kết nối để chia sẻ nguồn tài nguyên, kiến thức với thư viện của KTNN...

Thống nhất và đánh giá cao nỗ lực của Trường trong việc xây dựng Kế hoạch hoạt động 3 năm giai đoạn 2022-2024, lãnh đạo các đơn vị đề nghị Trường kiện toàn Ban thực hiện Đề án Nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán; tập trung nghiên cứu mô hình của Học viện, trong đó cụ thể hóa các lĩnh vực đào tạo, đối tượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu; nghiên cứu và làm việc với các cơ quan, ban ngành để sớm có phương án đưa Học viện Kiểm toán vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030.

Đối với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, thời gian tới, Trường cần nâng cao chất lượng các khóa học, bám sát hoạt động kiểm toán và đảm bảo yêu cầu ứng dụng thực tiễn. Các đề tài nghiên cứu khoa học cần được nâng cao về chất lượng...

Kết luận tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung yêu cầu Trường tiếp thu các ý kiến của các đơn vị tham mưu, trong đó cần tập trung vào các nội dung: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành đề thực hiện Đề án Nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán; xác định rõ mô hình hoạt động của Học viện, từ đó hình thành tiêu chí hoạt động; rà soát và ban hành Quy chế hoạt động của Trường (hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ…) trong quý I/2022.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Trường nghiên cứu, xem xét và đổi mới hoạt động đào tạo, giảm số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm và tăng số lượng các đề tài đặt hàng, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, tọa đàm, hội thảo chuyên môn. Đặc biệt, giai đoạn 2022-2024, Trường cần có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và hằng năm có 1 đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ.

“Mục tiêu trong giai đoạn 2022-2024 của Trường là phải hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời sẵn sàng mọi điều kiện, tiêu chí để trình đề án nâng cấp Trường thành Học viện Kiểm toán” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Định hướng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2024 của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán