Đại hội ASOSAI 15 thông qua Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội

(BKTO) - Tại Tại Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất, trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI lần thứ 15 diễn ra chiều 07/9, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thay mặt KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 trình bày dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Báo cáo sau đó đã được các thành viên ASOSAI 56 nhất trí thông qua tại Phiên họp.



                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

   

Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 do SAI Việt Nam đăng cai, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo nhằm theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

"Sau 03 năm triển khai thực hiện, đây là thời điểm chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được của ASOSAI và các SAI thành viên trong việc thực hiện những khuyến nghị về Kiểm toán môi trường (KTMT) và thực hiện SDGs, từ đó tiếp tục cùng nhau, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội nói riêng và những mục tiêu chiến lược của ASOSAI trong giai đoạn tiếp theo" - Báo cáo nêu rõ.

Theo đó, Trụ cột chiến lược 01: “Thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và Trụ cột chiến lược 02: “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu” đã được các SAI tích cực thực hiện.
         
Trong bối cảnh tình hình đầy biến động, đặc biệt là thách thức của đại dịch Covid-19, song các SAI cùng toàn thể ASOSAI đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ 2018-2021 có tổng số 84 cuộc KTMT đã được thực hiện với chủ đề hết sức đa dạng và bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực môi trường; 35 cuộc kiểm toán SDGs. Điều này chứng minh sự cống hiến của ASOSAI trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng như hiện nay.

Giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã phối hợp với Cơ quan sáng kiến phát triển và Ủy ban Chia sẻ kiến thức củaTổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán Tối cao (IDI-KSC) triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 03 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Kết quả cuộc kiểm toán hợp tác được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự bền vững của hệ thống y tế công cộng quốc gia thông qua kiến nghị theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI về nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý rủi ro sức khỏe quốc gia và toàn cầu.

"Đây có thể nói là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu" - Báo cáo đánh giá.
                
   

Đoàn KTNN Việt Nam tham dự Đại hội

   

Về thúc đẩy hợp tác với bên ngoài trong KTMT, Hội nghị chung ASOSAI-EUROSAI lần thứ 3 về chủ đề "Những vấn đề mới nổi và tình trạng báo động" tổ chức tại Israel năm 2019 cũng là một thành công của ASOSAI trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Các bài tham luận tại Hội nghị, ngoài vấn đề kiểm toán môi trường, còn tập trung vào kiểm toán các vấn đề phát triển bền vững, những thách thức trong vấn đề môi trường, đặc biệt ô nhiễm môi trường và vấn đề xử lý chất thải.

Báo cáo do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung trình bày cũng đề ra những kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực KTMT vì sự phát triển bền vững. Trong đó, các SAI cần tăng cường chia sẻ kiến thức, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số để thích ứng với tình hình, biến động; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các SAI và các bên liên quan (đơn vị được kiểm toán và xã hội dân sự) sẽ giúp tạo nên một bức tranh toàn diện về các thành phần liên quan đến hoạt động KTMT.

Về thực hiện các SDGs, Báo cáo nêu rõ, cần có một khuôn khổ hợp lý và từ điển thích hợp để giúp nắm bắt, ghi lại, báo cáo, xuất bản, phân tích dữ liệu… một cách nhất quán và chính xác giữa các cấp chính quyền Trung ương đến địa phương cũng như giữa các Bộ, ngành; mọi giao dịch và cơ quan, tổ chức bắt buộc phải áp dụng khung báo cáo tài chính sử dụng công nghệ thông tin.

ASOSAI cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về SDGs như việc xây dựng Kế hoạch chiến lược, Kế hoạch hoạt động hay Chương trình tăng cường năng lực cần dựa trên khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện nhu cầu của tất cả các thành viên và thảo luận tại các cuộc họp quan trọng của ASOSAI; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán SDGs một cách thường xuyên, liên tục, trong đó có thực hiện kiểm toán từ xa; đẩy mạnh triển khai các cuộc kiểm toán hợp tác…

Có thể nói, với những thành quả đạt được và sự kế thừa, phát triển của Tuyên bố Hà Nội trong định hướng chiến lược của ASOSAI trong tương lai, ASOSAI có thể tự hào về những đóng góp tích cực và quý báu của tổ chức và các SAI thành viên đối với việc theo đuổi mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về SDGs.
NGUYỄN LỘC và NHÓM PHÓNG VIÊN
Cùng chuyên mục
Đại hội ASOSAI 15 thông qua Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội