Công tác quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa: Thiếu sót từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp

(BKTO) - Qua kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất của DNNN cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2011-2017 tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên và Quảng Ninh, KTNN khu vực VI nhận thấy phần lớn DN đưa ra phương án sử dụng đất không phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn tình trạng DN cố giữ đất để trục lợi từ quyền thuê đất nhà nước hoặc chờ cơ hội để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, công tác quản lý đất đai còn nhiều thiếu sót.



Cơ quan quản lý chưa phối hợp chặt chẽ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc quản lý, sử dụng đất của DNNN CPH lộ diện nhiều bất cập, thiếu sót, tập trung vào 5 vấn đề sau:
Công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ hằng năm của địa phương về nhiệm vụ CPH DNNN trên địa bàn còn chậm tiến độ và thiếu chính xác về số lượng, tổng diện tích đất do DN đang quản lý, sử dụng.

Cơ quan tài nguyên và môi trường chưa hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục để trả đất về địa phương khi không còn nhu cầu sử dụng; chưa làm thủ tục tiếp nhận, thu hồi để đưa đất vào sử dụng. Điều này dẫn đến một số diện tích đất của DN để hoang hóa, gây lãng phí.
Nhiều địa phương không chú trọng công tác phối hợp giữa ban chỉ đạo đổi mới, phát triển DN địa phương, sở tài nguyên và môi trường, cơ quan thuế dẫn đến số liệu về diện tích đất của DN CPH giữa các cơ quan này khác nhau.

Khi thẩm định phương án sử dụng đất của DN, cơ quan tài nguyên và môi trường chưa tuân thủ quy định về việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan quản lý thu hồi đất đang cho DNNN sau CPH thuê để cho tổ chức khác thuê lại, sau đó có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở không đúng quy hoạch sử dụng đất.

Nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện phương án sử dụng đất

Đối với các DNNN CPH, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH chưa phù hợp. Theo khoản 2, Điều 6 Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các vị trí đất đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên, UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi. Tuy nhiên, còn một số DN CPH xây dựng phương án sử dụng đất với mục đích cho thuê kinh doanh thương mại lại vẫn được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án CPH chưa tạm tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN đối với khu đất chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng. Điều 31 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định, trường hợp DN CPH lựa chọn hình thức giao đất (kể cả diện tích đất nhà nước đã giao cho DN xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê kinh doanh khách sạn, kinh doanh thương mại dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN. Thế nhưng, nhiều DN không tính giá trị này dẫn đến không phản ánh đúng giá trị thực của DN khi CPH.

Theo Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Kết quả kiểm toán cho thấy còn có chủ đầu tư chưa nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án.

Bất cập nữa là DN đang sử dụng đất, mặt nước nhưng chưa được giao đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính kể từ khi sử dụng đất, mặt nước. Năm 2018, qua kiểm toán tại một đơn vị trên địa bàn, KTNN khu vực VI phát hiện trường hợp phương án sử dụng đất của DN có 10 thửa đất, tuy nhiên, chỉ 5 thửa đất có hồ sơ nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê chưa đầy đủ diện tích đất của các DN đang sử dụng.

Tiếp theo, diện tích đất không thống nhất giữa các hồ sơ. Cụ thể, phương án sử dụng đất của DN (hồ sơ, số liệu về diện tích các vị trí đất của DN) không thống nhất với số liệu của cơ quan tài nguyên môi trường và số liệu để tính nghĩa vụ tài chính của cơ quan thuế, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo. KTNN khu vực VI đã kiến nghị cơ quan tài nguyên môi trường phối hợp với cơ quan thuế trong việc xác định diện tích đất cụ thể để tính nghĩa vụ tài chính cho chính xác.

Rất nhiều đơn vị, DN CPH sử dụng đất không đúng mục đích theo phương án sử dụng đất đã được duyệt, nhiều DN có diện tích đất thương mại lớn đã không xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp mà chờ cơ hội để chuyển mục đích sử dụng đất.

Một số DN đang sử dụng, quản lý mặt đất, mặt nước hết thời hạn thuê nhưng chưa hoàn thành thủ tục gia hạn và các thủ tục hành chính có liên quan.

Thậm chí, đất được cho thuê (gồm cả mặt đất, mặt nước) nhưng DN không đưa vào sử dụng, một số DN có diện tích đất lớn giữ đất chờ khi có cơ hội thì chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không đưa vào phương án sử dụng đất.

DN được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không đủ năng lực tài chính. Theo quy định, DN khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần có tối thiểu 20% vốn tự có nhưng nhiều DN không đảm bảo tỷ lệ vốn này…
(Lược ghi tham luận của ThS. NGUYỄN ĐÌNH THANH - KTNN khu vực VI - tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản”)
Cùng chuyên mục
  • Khó khăn và rủi ro khi kiểm toán  xác định giá đất để thanh toán dự án BT
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tiễn cho thấy, việc xác định giá trị quỹ đất để thanh toán giá trị dự án xây dựng - chuyển giao (BT) là vấn đề không hề đơn giản, dễ gây thất thoát tài sản công, tham nhũng, lợi ích nhóm. Điều này cũng gây khó khăn và rủi ro đối với kiểm toán viên (KTV) nhà nước khi kiểm toán nội dung này.
  • Mở rộng phạm vi, đổi mới phương thức kiểm toán công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thời gian qua, KTNN khu vực IV đã kiểm toán các dự án đầu tư, trong đó có nội dung kiểm toán công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB); kiểm toán thu ngân sách địa phương và kiểm toán Chuyên đề Quản lý, sử dụng đất liên quan đến đất đai thuộc đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Qua đó, đơn vị đã phát hiện một số sai phạm nổi bật liên quan đến BTGPMB, kiến nghị thu hồi, nộp NSNN và rút ra nhiều kinh nghiệm quý.
  • Quản lý đất đai khu đô thị:  Còn nhiều bất cập
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2017, KTNN khu vực XIII thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất khu đô thị và các dự án được giao, thuê đất giai đoạn 2014-2016 tại 2 tỉnh trên địa bàn (tỉnh A và B). Qua đó, KTNN khu vực XIII đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai khu đô thị, đặc biệt là việc xác định giá đất, từ đó đúc rút một số bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt nội dung kiểm toán này trong thời gian tới.
  • Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đô thị:  Kết quả đạt được và vấn đề đặt ra
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, KTNN khu vực I đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) năm 2011; Chuyên đề: “Việc giao đất có thu tiền SDĐ và việc thực hiện các dự án được giao, thuê đất giai đoạn 2013-2016”; “Việc quản lý, SDĐ trong quá trình cổ phần hóa và sau cổ phần hóa của các DN giai đoạn 2011-2017”. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập, sai sót làm thất thoát nguồn lực của Nhà nước.
  • Tăng hiệu lực, hiệu quả kiểm toán  việc quản lý, sử dụng đất
    3 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) khu đô thị là lĩnh vực khó, phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên (KTV) phải có nhiều kinh nghiệm để phân tích, nhận định và đưa ra kết luận, kiến nghị chính xác. Nhằm giúp KTV đánh giá được tính hiệu quả của việc thực hiện dự án khu đô thị, KTNN khu vực VII đã đề xuất một số giải pháp đối với lĩnh vực kiểm toán này.
Công tác quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa: Thiếu sót từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp