Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Hòa vào xu thế chung của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới là chuyển dần từ kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động (KTHĐ), thời gian qua, KTNN đã tích cực triển khai thực hiện loại hình kiểm toán này. Từ những kết quả bước đầu đạt được, cùng với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng KTHĐ, loại hình kiểm toán này sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, đưa hoạt động kiểm toán của KTNN từng bước hiện đại, hội nhập quốc tế.




Đẩy mạnh KTHĐ để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Ảnh: Như Ý

Những kết quả bước đầuquan trọng

Theo Vụ Tổng hợp (KTNN), xác định KTHĐ đóng vai trò quan trọng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, giúp khắc phục những hạn chế của hai loại hình kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ trong việc đáp ứng nhu cầu quản trị công, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 của KTNN đã định hướng: “Tiến tới đẩy mạnh KTHĐ để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia”.

Theo đó, thời gian qua, KTNN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn, nâng cao nhận thức về KTHĐ, cũng như tăng cường năng lực KTHĐ. KTNN đã ban hành các chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn về KTHĐ; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tham gia thực hành tại một số đoàn KTHĐ tại các nước; tổ chức các lớp đào tạo, các hội thảo về KTHĐ; thành lập phòng KTHĐ thuộc Vụ Tổng hợp và 5 phòng KTHĐ tại một số KTNN chuyên ngành, khu vực...

Việc tổ chức thực hiện các cuộc KTHĐ thời gian qua của KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số lượng các cuộc KTHĐ tăng dần qua các năm, số cuộc KTHĐ độc lập chiếm tỷ trọng khoảng 10 - 15% số lượng cuộc kiểm toán hằng năm. Chủ đề KTHĐ tương đối đa dạng, từ các chương trình/dự án phục vụ an sinh xã hội, các quy trình, hoạt động quản lý nhà nước, đến các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

Các cuộc KTHĐ cơ bản đã được tổ chức, thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Kết quả của một số cuộc KTHĐ đã chỉ ra được những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đưa ra các đánh giá tương đối toàn diện về những ưu điểm và hạn chế; đánh giá được tác động của những hạn chế, làm căn cứ để đưa ra được các kết luận rõ ràng và các kiến nghị khả thi.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Vụ Tổng hợp) Lê Hoài Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện KTHĐ thời gian qua vẫn tồn tại một số hạn chế trong cách thức lựa chọn chủ đề kiểm toán; kỹ thuật xây dựng tiêu chí kiểm toán; tính đa dạng và linh hoạt của các phương pháp kiểm toán.

Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động

Đại diện KTNN khu vực V cho rằng, để thực hiện cuộc KTHĐ đạt hiệu quả cao, vai trò của kiểm toán viên cần được đặc biệt coi trọng, bên cạnh các quy trình, chuẩn mực kiểm toán.

Kiểm toán viên Bùi Thị Bình Nguyên (KTNN khu vực V) cho biết, khác với kiểm toán tuân thủ, KTHĐ chủ yếu tập trung vào việc đánh giá cơ chế, chính sách và đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý, sử dụng vốn của các đơn vị nên trước hết là tập trung vào đánh giá các văn bản pháp lý, văn bản chỉ đạo, điều hành của địa phương. “Nội dung KTHĐ đề cập đến những sự việc đang diễn ra, thậm chí là dự báo xu hướng, do đó, trong loại hình kiểm toán này, sự nhạy cảm nghề nghiệp của kiểm toán viên đóng vai trò rất quan trọng” - Kiểm toán viên Bùi Thị Bình Nguyên lưu ý.

Đề cao vai trò của kiểm toán viên cũng chính là một trong những vấn đề được Vụ Tổng hợp khuyến nghị để nâng cao chất lượng KTHĐ. Trên cơ sở đánh giá, đúc rút những bài học kinh nghiệm thực tiễn, đại diện Vụ Tổng hợp cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, xác định lộ trình để từng bước phát triển, nâng cao chất lượng KTHĐ. Trong đó, trọng tâm hàng đầu là tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn của kiểm toán viên về KTHĐ thông qua việc tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo về KTHĐ; tổ chức phổ biến, hướng dẫn Chuẩn mực, mẫu biểu hồ sơ về KTHĐ. Tiếp đó, cần chú trọng công tác thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán, trong đó cần tăng cường việc thu thập thông tin trực tiếp để đảm bảo chủ đề được lựa chọn có tính khả thi cao. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thông tin về các đầu mối/đơn vị thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN để giúp nâng cao chất lượng trong việc thu thập thông tin, lựa chọn chủ đề kiểm toán, xác định mục tiêu, tiêu chí và phương pháp kiểm toán thích hợp.

Cũng theo đại diện Vụ Tổng hợp, song song với việc triển khai các cuộc KTHĐ độc lập, cần tiếp tục tăng cường hàm lượng nội dung KTHĐ trong các cuộc kiểm toán kết hợp nhiều loại hình kiểm toán, đặc biệt các cuộc kiểm toán chuyên đề. Việc thực hiện các cuộc kiểm toán lồng ghép giữa KTHĐ, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ nhằm phân tích làm rõ các hạn chế và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, qua đó từng bước nâng cao giá trị của báo cáo kiểm toán, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
         
Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, KTNN triển khai khoảng 18 cuộc KTHĐ. Một số cuộc KTHĐ đáng chú ý như: Cuộc kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông của TP. HCM; Hoạt động đầu tư xây dựng, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao TP. HCM; Công tác quản lý môi trường đối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bình Thuận; Chương trình nhà ở xã hội... Kết quả kiểm toán đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được kiểm toán, giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước; đồng thời góp phần tăng uy tín của KTNN, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Quốc hội và nhân dân.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán hoạt động