Chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán: Những khoảng trống pháp luật cần lấp đầy

(BKTO) - Với việc kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khoảng 10 năm qua cùng nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, hệ thống pháp luật quy định về nhiệm vụ này của KTNN vẫn còn những khoảng trống...



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: thuvienphapluat

   

Chống tham nhũng vẫn còn những khó khăn

Giai đoạn 2012-2022, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 512.916 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1.433 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.

KTNN đã chuyển 32 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra và 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, từ năm 2016 (thời điểm Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực) đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, KTNN đã triển khai 3 cuộc kiểm toán và báo cáo kết quả kiểm toán về Ban Chỉ đạo theo quy định.

Cũng trong giai đoạn này, KTNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công.

Đồng thời, KTNN cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, KTNN đã cung cấp 837 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V, thời gian qua, việc KTNN tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương còn hạn chế.

Về các dự án quan trọng quốc gia, KTNN mới bắt đầu tham gia ý kiến đối với một số dự án do Quốc hội quyết định, chưa có ý kiến đối với chủ trương về chương trình mục tiêu quốc gia... Còn với các dự án đầu tư (của trung ương và địa phương), KTNN thực hiện hậu kiểm nên chủ yếu phát hiện, khó ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí.

Những hạn chế nêu trên trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước có lúc còn chồng chéo và bỏ sót đối tượng kiểm toán.

Theo quy định, KTNN không có chức năng điều tra tội phạm, hoạt động kiểm toán chủ yếu là cân đối, đối chiếu, phân tích, phỏng vấn... Trong khi đó, chứng từ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hành vi tham nhũng thường được che giấu, hợp thức hóa tinh vi nên KTNN cần nhiều thời gian để phối hợp với các cơ quan khác xác minh, đối chứng, trưng cầu giám định.

Theo PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, một số quy định về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Hơn nữa, hiện nay, KTNN cũng chưa có quy trình kiểm toán những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nên các kiến nghị của KTNN liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là kiến nghị xử lý cá nhân, tập thể chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý và quy trình kiểm toán
                
   

KTNN tổ chức Tọa đàm“Pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và vấn đề đặt ra”.
   Ảnh: Nguyễn Ly

   

Theo ThS. Đoàn Trần Phú - Vụ Tổng hợp, KTNN, kiểm toán là lĩnh vực đặc thù, vì vậy, cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN cần tiếp tục hoàn thiện và cũng cố, nhất là Luật KTNN. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản cụ thể để cụ thể hóa Luật KTNN.

Mặt khác, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn những khoảng trống; quy định thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ. Một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động kiểm toán vẫn chưa được quy định làm cơ sở để KTNN thực hiện các chức năng của mình.

Vì vậy, KTNN cần rà soát các quy định về kiểm toán trong các luật, văn bản có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định về tổ chức và hoạt động KTNN trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, hệ thống các quy trình, chuẩn mực kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu và các quy định do KTNN ban hành cần được cập nhật kịp thời, rà soát thường xuyên khi có sự thay đổi của các quy định trong các luật liên quan.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ThS. Huỳnh Hữu Thọ - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - cho biết, hiện tại, KTNN đang xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Để nâng cao hơn nữa kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, KTNN nên hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng các dấu hiệu để nhận diện một hành vi tham nhũng trong từng lĩnh vực kiểm toán nhằm tránh những nhầm lẫn với các vi phạm khác hoặc bỏ qua sai phạm.

Đồng thời, chỉ rõ phương pháp, thủ tục cần thực hiện khi đoàn kiểm toán nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế tối đa sự gian lận, che đậy, cản trở bằng mọi cách của đơn vị được kiểm toán và cá nhân có sai phạm.

Cùng với đó, các vụ tham mưu cần kịp thời ghi nhận các phát hiện từ báo cáo nhanh hoặc qua việc thẩm định, xét duyệt các báo cáo kiểm toán để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo KTNN chỉ đạo các đoàn kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng, có nhiều sai phạm ở những đơn vị khác.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và vấn đề đặt ra”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, không chỉ đối với hoạt động kiểm toán tại các đơn vị, KTNN cần coi trọng công tác ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí trong nội bộ KTNN, ban hành quy định về cơ chế xử lý trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán nhằm nhận diện các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra tham nhũng trong nội bộ Ngành.

Đồng thời, KTNN cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và đôn đốc, báo cáo công khai tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với tất cả các đơn vị có liên quan./.
THÙY LÊ



Cùng chuyên mục
  • TS. Vũ Thanh Hải: Đoàn viên, thanh niên phải luôn trau dồi tri thức, thể hiện khát vọng cống hiến để khẳng định giá trị
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Là cán bộ trưởng thành từ công tác Đoàn và có nhiều đóng góp quan trọng, giúp xây dựng vị thế của tổ chức Đoàn, cũng như thông qua hoạt động đoàn để phát triển hoạt động chuyên môn, TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nguyên Bí Thư Đoàn Thanh niên KTNN cho biết, hoạt động đoàn tại một cơ quan chuyên môn cao, đặc thù như Kiểm toán nhà nước (KTNN), đòi hỏi mỗi đoàn viên, thanh niên phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn. Muốn làm được điều này, lực lượng đoàn viên, thanh niên phải không ngừng học tập, đổi mới, sáng tạo và giữ nhiệt huyết của tuổi trẻ, thể hiện khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ. Đây cũng là những lời nhắn nhủ tâm huyết, được TS. Vũ Thanh Hải chia sẻ với Báo Kiểm toán nhằm truyền tải đến các thế hệ đoàn viên, thanh niên của KTNN hôm nay.
  • KPMG Singapore đầu tư lớn cho công tác đào tạo
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hãng kiểm toán KPMG tại Singapore vừa qua đã công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu đô-la Singapore trong vòng 5 năm tới cho các chương trình đào tạo nhằm cải thiện công tác quản lý, sử dụng dữ liệu, ứng dụng kỹ thuật số, xây dựng chiến lược nâng cao năng lực và kiến thức về ESG (môi trường, xã hội và quản trị DN) cho lực lượng lao động hùng hậu gồm hơn 3.200 nhân sự tại quốc gia này.
  • Kiểm toán viên trẻ cần không ngừng nỗ lực để khẳng định mình
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tự nhận bản thân là người có thể trạng sức khỏe không thực sự tốt, song nữ kiểm toán viên Đặng Thị Giang (Kiểm toán nhà nước -KTNN khu vực II) bộc bạch, chính tình yêu nghề kiểm toán, yêu mến hình ảnh Kiểm toán viên nhà nước đã thôi thúc chị đến và gắn bó với nghề, vượt qua mọi rào cản, thách thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
  • Kiểm toán nhà nước khu vực XI dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), sáng ngày 26/7, Đảng ủy, Công đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  • Phòng, chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán - Góc nhìn từ pháp luật
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 26/7, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và vấn đề đặt ra”.
Chống tham nhũng qua hoạt động kiểm toán: Những khoảng trống pháp luật cần lấp đầy