Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phương án tài chính của dự án PPP

(BKTO) - Phương án tài chính là một trong những mấu chốt của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nếu phương án tài chính tính sai, hoặc không phù hợp sẽ dẫn đến bất lợi cho các bên tham gia, đặc biệt là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì hầu hết các phương án tài chính do nhà đầu tư tính toán, cơ quan nhà nước khi thẩm định cũng chỉ dựa trên các dữ liệu đầu vào do chủ đầu tư cung cấp nên tiềm ẩn vấn đề tính chi phí đầu tư lớn hơn thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước về cả thời gian sử dụng cũng như chi phí tính vào dự án.



Nhiều dự án tính toán phương án tài chính chưa chuẩn

Cho rằng trong các dự án PPP đã triển khai, nhiều dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã không được lấy ý kiến, không quan tâm lợi ích và sự phản ứng của người dân, TS. Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Báo Nhân dân - còn chỉ rõ, nhiều dự án BOT không chính xác trong xác định phương án tài chính, nhất là không hợp lý trong phương án thu phí giao thông, khiến nhiều trạm thu phí không thể thu phí hoặc trở thành điểm nóng mất trật tự, an toàn giao thông và xã hội do sự không đồng thuận của người dân địa phương và các đối tượng liên quan.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, theo kết quả kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, từ phát hiện các sai sót về xác định tổng mức đầu tư, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và xử lý tài chính hơn 1.460 tỷ đồng. Năm 2018, qua kiểm toán 8 dự án BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu. Tiếp đó, năm 2019, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 5/12 dự án 26 năm 11 tháng so với phương án tài chính ban đầu, xử lý tài chính 882 tỷ đồng.

Trên thực tế, doanh thu của nhà đầu tư được quyết định bởi người sử dụng, tiêu dùng hoặc Nhà nước chi trả. Vì vậy, cần phân tích, thẩm định chi phí tài chính hợp lý của phương án tài chính để đảm bảo tính khả thi cao. Ông Lê Tùng Lâm - Phó Chánh Văn phòng KTNN - nhận định, để thu hút đối tác tư nhân có khả năng thì việc tính toán phương án tài chính để lường trước và chia sẻ rủi ro là điều rất quan trọng, cần quan tâm đúng mức ở giai đoạn chuẩn bị dự án. Bởi khi công trình do tư nhân lập thiết kế dự toán, nếu không giám sát thì sẽ dễ bị lợi dụng để gây thất thoát như việc thi công không đúng thiết kế, thiết kế vượt quy chuẩn...

Đồng quan điểm, PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho rằng, các dự án PPP cần được chuẩn bị nghiêm túc về phương án tài chính, yêu cầu đầu ra, phát huy tính sáng tạo và chuyên môn của khu vực tư nhân, cấu trúc dự án bảo đảm rủi ro được chia sẻ một cách hợp lý. TS. Lê Đức Luận - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - cũng kiến nghị: “Việc nâng cao chất lượng thẩm định, xin ý kiến chuyên gia để tổ chức thẩm định phương án tài chính của các dự án PPP là rất cần thiết để tổng mức đầu tư phù hợp với việc đầu tư dự án”.

Quy định pháp luật còn thiếu, chưa cụ thể

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), quy định hiện hành còn thiếu chi tiết, chưa cụ thể trong hướng dẫn việc xây dựng phương án tài chính. Đồng thời, nhiều chỉ tiêu kinh tế trong phương án tài chính chưa được quy định chi tiết, cụ thể dẫn đến sự chênh lệch giữa các dự án, thiếu chỉ tiêu so sánh.

Đại diện KTNN khu vực IV nêu rõ, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên một số thông số đầu vào của phương án tài chính là giả định dẫn đến phải quy định trong hợp đồng dự án sẽ điều chỉnh trong quá trình triển khai thực tế, như: tổng vốn đầu tư dự án, xác định chi phí dự phòng và chi phí lãi vay; chi phí bảo trì của dự án; chỉ số trượt giá... Việc tính lãi vay và áp dụng mức lãi suất vay đối với phần vốn vay; việc xác định thông số lợi nhuận của nhà đầu tư cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Trong khi đó, theo TS. Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án PPP, cần đánh giá toàn diện các nội dung cấu thành trong phương án tài chính của dự án PPP (như: nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay, mức trần lãi suất huy động, lợi nhuận của nhà đầu tư, chi phí quản lý của nhà đầu tư…), trên cơ sở đó thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả lợi nhuận trên các nguồn lực của nhà đầu tư đã bỏ ra khi đầu tư dự án PPP để xác định sự phù hợp của thời gian thu phí.

Từ thực tế trên, đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp (KTNN) đề xuất, cần đưa vào phương án tài chính của dự án PPP một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn, khắc phục việc lập phương án tài chính còn thiếu sót, tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn; phương án tài chính chưa xác định rõ nguồn vốn hỗ trợ thâm hụt trong quá trình vận hành khai thác; xác định lưu lượng xe tính toán trong phương án tài chính của dự án BOT chưa sát; nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính; vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu; thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...

Lãnh đạo KTNN khu vực I cũng nhấn mạnh, Nhà nước phải nhanh chóng hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về đầu tư dự án theo mô hình PPP bằng cách sớm hoàn thiện và thông qua Luật PPP, ban hành và hoàn chỉnh các quy định, hướng dẫn cụ thể về các chỉ tiêu trong phương án tài chính dự án PPP; các quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giám sát thực hiện phương án tài chính...
         
Từ năm 2016 đến năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.
   Đối với 84 dự án BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.684 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó, nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán; đồng thời, kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là hơn 13 năm. Đối với 50 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.
   Vì vậy, nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên người dân, DN sản xuất kinh doanh và gây thất thoát lớn cho NSNN...
   (ThS. Lê Tùng Lâm - Phó Chánh Văn phòng KTNN)
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phương án tài chính của dự án PPP